menu

Được đăng bởi An Nguyen vào lúc 22

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Phù Cát:Phát triển nuôi cá trên ruộng lúa.


Hướng tới mục tiêu thu nhập trên 50 triệu đồng/ ha, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh. Năm 2005, Phù Cát đã tiếp tục triển khai thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa tại 2 xã Cát Trinh, Cát Hưng, với quy mô mỗi xã 1 ha. Gồm các loại cá như: rô phi đơn tính, chép, trắm, cá lóc. Trên diện tích này được đào mương xung quanh rộng từ 1,2 đến 4 mét, sâu từ 0,8 đến 1 mét, cứ 100 mét vuông ao được xử lý 15 kg vôi, 20 kg phân chuồng. Mặt ruộng sạ lúa, sau đó cho thả cá giống với mật độ 1,4 con/m2 ruộng. Chọn lúc trời mát trong ngày để thả cá. Khi thả, ngâm túi đựng cá giống vào ao khoảng 10 phút, để tránh tình trạng cá bị sốc do môi trường, sau đó mở túi cho nước vào từ từ. Trong suốt quá trình nuôi, thường xuyên kiểm tra bờ ao chống rò rỉ làm thất thoát cá và đề phòng rắn, rái, chim... hại cá. Nguồn thức ăn dùng hỗn hợp nấu chín gồm: cám gạo, bột ngô, và khô dầu đậu phụng theo tỉ lệ 2-1-2, cho ăn mỗi ngày 2 lần với liều lượng từ 3 đến 5% trọng lượng cá trong ao. Đến khi lúa kết thúc thời kỳ đẻ nhánh, dâng nước mặt ruộng để cá vào ruộng lúa bắt mồi, đồng thời kiểm tra thay nước trong ao nuôi. Kết quả thu hoạch cho thấy: tại Cát Hưng 1 ha nuôi cá lóc cho tổng thu nhập đạt 72 triệu đồng/năm, tại Cát Trinh với 1 ha nuôi cá chép, rô phi đơn tính và trắm cỏ thu nhập trên 54,5 triệu đồng/ năm.
Như vậy qua 2 năm triển khai thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, kết quả cho thấy: trong 1 năm 1 ha sản xuất 2 vụ lúa và nuôi 1 vụ cá sẽ có mức thu nhập ít nhất cũng đạt 54 - 70 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn thực lãi hơn 30 triệu đồng, cao hơn từ 2 đến 3 lần so với SX lúa thuần trước đó, trên cùng chân ruộng.
Tuy nhiên, qua đánh giá của địa phương và những hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình đều thống nhất cho rằng: Kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng mà còn có thể đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều bởi trên thực tế quy trình và kỹ thuật nuôi cá chưa đáp ứng được yêu cầu như: Việc kiến thiết ao nuôi chưa đạt so với yêu cầu, vì diện tích ao được làm sát với bờ ruộng nên dễ bị thất thoát do mất trộm, việc vệ sinh ao nuôi không được chú trọng, tình trạng cỏ dại quá nhiều; nguồn nước nuôi không được tốt vì độ phèn quá cao, làm ảnh hưởng đến việc phát triển của cá nhất là cá chép, cơ cấu từng loại giống cá nuôi chưa hợp lý theo từng điều kiện cụ thể như: trường hợp ở Cát Trinh 1, trong tổng số gần 14.000 con cá thả nuôi chỉ có 1.000 con cá rô phi đơn tính, mà loại cá này rất chóng lớn chỉ sau hơn 6 tháng bình quân đạt trọng lượng 6 -7 lạng/con. Trong khi đó có đến trên 10.000 con cá chép, cùng trong thời gian nuôi chỉ đạt trọng lượng 2 - 3 lạng/con. Mặt khác, mật độ nuôi 1,4 con/ m2 là quá dày. Bên cạnh đó tình trạng ruộng manh mún còn là trở ngại không ít trong việc kiến thiết ruộng nuôi, dẫn đến tình trạng tăng chi phí đầu tư và khó có thể thực hiện nuôi lâu dài, nên làm giảm hiệu quả kinh tế...
Để tiếp tục mở rộng diện ứng dụng mô hình trước hết cần giải quyết vấn đề ruộng manh mún, bằng cách Nhà nước và ngành chức năng có kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửa, nhằm tạo điều kiện để nông dân đầu tư kiến thiết cơ bản nuôi lâu dài. Về cơ cấu giống cá nuôi phải được chú trọng, và mật độ thả nuôi nên thực hiện khoảng 1 con/m2 nhằm bảo đảm cho cá có điều kiện phát triển, bảo đảm hợp lý theo từng điều kiện cụ thể của từng vùng. Vấn đề này đòi hỏi ngành chuyên môn có sự điều tra nghiên cứu và hướng dẫn cho nông dân. Về kỹ thuật sạ lúa nên thực hiện sạ hàng để cá dễ dàng di chuyển tìm mồi trên ruộng. Đồng thời thường xuyên cập nhật và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá để nông dân ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất hạn chế rủi ro. Có chính sách hỗ trợ hoặc giảm giá cá giống nhằm khuyến khích ngày càng nhiều nông dân đầu tư vốn thực hiện mô hình.
Nuôi cá trên ruộng lúa là một nghề mới, cách làm ăn mới có thu nhập cao ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, dễ triển khai ứng dụng trên diện rộng. Đặc biệt là mở ra hướng đi cho các vùng độc canh cây lúa, đồng thời góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường sinh thái từ việc kết hợp 2 lĩnh vực SX là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Phù Cát hiện có hơn 20 hồ chứa nước và trên 4.000 ha ruộng canh tác chủ động nước, có khả năng kết hợp nuôi cá. Giải quyết những vấn đề đặt ra là tạo điều kiện để những năm sắp đến phong trào sản xuất lúa kết hợp nuôi cá được nhanh chóng mở rộng diện ứng dụng, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét