Trong hai ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch (tức 14 và 15-2), tại chùa Linh Phong xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, đã tổ chức ngày giỗ của Hòa thượng Thích Trừng Tịnh, hiệu là Viên Minh. Đây là vị Hòa thượng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chùa Linh Phong, nên ngày giỗ của Hòa thượng được tổ chức khá long trọng và thu hút hàng chục ngàn người đến lễ Phật cầu may, đồng thời cũng là dịp cho phật tử và du khách tham quan cảnh đẹp ở đây.
Chùa Linh Phong, còn gọi là Linh Phong Thiền Tự do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên. Chùa do một nhà sư người Trung Hoa là Lê Ban sáng lập vào khoảng thế kỷ 16-17. Tục còn gọi tên là chùa Ông Núi do người dân thấy rằng nhà sư ở trên núi tu suốt năm. Tương truyền, ông Núi thường xuất hiện đem thuốc chữa bệnh cho dân khi có dịch bệnh xảy ra và đã cứu sống nhiều người. Cũng có truyền thuyết nói rằng: năm Minh Mạng thứ 7, nhà vua lâm bệnh nặng, các ngự y hết phương cứu chữa. Một đêm, vua nằm mộng thấy nhà sư mình mặc áo vỏ cây, một tay cầm quạt mo, một tay bưng chén thuốc dâng cho vua uống, sau đó cầm quạt quạt mấy cái rồi biến mất. Vua tỉnh dậy thấy người khỏe ra, hết bệnh. Chùa Linh Phong cũng là nơi mà danh nhân văn hóa Đào Tấn đến trú trong thời gian gần một năm và cụ Đào có soạn một bài ký về phong cảnh chùa, đề ở nơi vách. Không biết truyền thuyết về sự linh thiêng của chùa Linh Phong có đúng hay không nhưng với cảnh quan hữu tình vốn có, nó đã trở thành điểm thu hút khách du xuân và phật tử, đạo hữu trong nhiều năm qua.
Từ tờ mờ sáng ngày 24, đã có hàng ngàn phật tử và du khách bắt đầu đổ về chùa Linh Phong. Đã từ lâu, nơi đây trở thành điểm du xuân hấp dẫn của nhiều du khách trong ngoài tỉnh mỗi khi
xuân về. Họ đến đây để cầu mong sự an lành, hạnh phúc cho gia đình mình vừa để ngoạn cảnh. Từ con đường đất, ngõ dẫn vào chùa ở thôn Phương Phi, phật tử và du khách có thể đi bộ hoặc xe máy đến chân núi Bà. Sau đó, đi bộ qua hơn 200 bậc thang đá mỗi lúc mỗi cao. Khi đó, ngôi chánh điện của chùa Linh Phong hiện ra trước mắt, với một vẻ đẹp mang nét kiến trúc truyền thống của chùa Việt Nam và những nét đặc trưng riêng về phong cảnh có từ xưa đến giờ. Quanh chùa đá mọc ngổn ngang, hoặc đứng sừng sững giữa trời hoặc chen chúc cùng cây cối, nơi thì chồng chất thành hòn giả sơn, có nơi lại dựng đứng như vách tường. Một dòng suối từ ngọn núi cao sau chùa đổ xuống chảy róc rách quanh năm.
Theo dòng người, chúng tôi bước vào chánh điện mới xây. Khói nhang làm cay xè mắt. Khách vừa cắm nhang vào bát đi ra ngoài, lại có đoàn người nối tiếp vào đốt nhang để lễ Phật. Phía ngoài cổng tam quan, phật tử và du khách sau khi lễ Phật xong bắt đầu dọn đồ ăn mà họ mang theo để ăn trưa. Đa số họ đi theo từng nhóm, gia đình, bạn bè, cơ quan, cùng lớp học… Tiếp tục theo dòng người, chúng tôi leo thêm khoảng 100 bậc thang đá nữa đến hang Ông Núi, nơi ở của người đã khai sinh ra ngôi chùa Linh Phong, đồng thời nơi đây cũng là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng. Do có nhiều hang đá, nên phật tử và du khách chen nhau về đây để tham quan và nghỉ ngơi.
Trụ trì chùa Linh Phong, thầy Thích Huệ Quang cho biết: "Mỗi năm có hàng chục ngàn lượt phật tử, đạo hữu, du khách đến tham quan và lễ Phật tại chùa, nhiều nhất là vào mùa xuân. Trong 2 ngày 24 và 25 này, có khoảng 25-30 ngàn lượt người đã đến đây, nhà chùa đã chuẩn bị gần chục ngàn cơm hộp chay để phục vụ miễn phí cho phật tử và du khách đến lễ Phật tại chùa".
Trong tương lai gần, khi mà tuyến du lịch Phương Mai-Núi Bà được đưa vào khai thác thì chùa Linh Phong sẽ là một địa điểm thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài tỉnh đến lễ Phật và tham quan.
. Nguyễn Phúc
|
Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015
Lễ hội chùa Linh Phong
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét