Ở Bình Định có chiếc nón lá Gò Găng nổi
tiếng nhưng vẫn còn thêm một chiếc nón khác rất độc đáo, một sản phẩm
ngày xưa chỉ dành cho giới quý tộc, quan binh triều đình, đó là chiếc
nón ngựa...
Tên nón ngựa đã nói lên cái riêng biệt
của nó. Dẻo dai, bền bỉ như ngựa chăng? Hay là nón để đội lúc cỡi ngựa?
Cả hai đều đúng cả. Cùng là họ hàng nhà nón nên chúng hao hao giống
nhau, nón Gò Găng như cô gái yểu điệu, nón ngựa như một kẻ đầy quyền uy,
cứng cáp và bề thế. Muốn làm nón ngựa người thợ phải trải qua thời gian
làm nón ngang vì nón ngựa mang nhiều nét mỹ thuật hơn. Nón ngựa lớn,
đường kính gần 50 phân, độ xiên góc nón chừng 120 độ. Lá nón được ép và
ủi thật phẳng, bằng cách kéo căng sợi lá trên con lăn bằng đồng hay bằng
sắt bóng loáng, đã nung nóng. Lá nón rộng độ một phân xếp theo chiều
dọc, lá này cách lá kia 2 ly, hẹp về phía đỉnh. Trước khi lợp lá, thợ
phải tết một lớp lưới sườn toàn bằng cước thơm của tàu. Làm nan nón quả
là công phu. Nan vành bằng mút đũa, đánh vòng và kết lại sao cho không
thấy mối. Các vành phụ thật nhỏ, nhỏ dần bằng sợi chỉ là đến đỉnh, gần
sáu trăm dải lá xếp dày. Mối chỉ ở lá đầu được lá thứ hai che và cứ thế
cho đến dải lá cuối cùng.
Cầm chiếc nón nhìn kỹ, bạn vẫn không tìm
ra mối chỉ. Nón ngựa nặng hơn nón ngang, lá màu vàng sẫm. Đó mới là xác
nón. Phần quan trọng là trang trí. Bên trong nón được trang trí bằng
cách thêu hoa văn, chữ hoặc hoa lá. Thân nón là các họa tiết, thông
thường là sách bút, đôi khi là hình chim trĩ, chim công... Họa tiết thay
đổi theo phẩm hàm, chức vụ. Chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ
ngũ sắc phất phơ như bông hoa để cho người giàu dùng. Ngày xưa, từ viên
xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc. Chụp được chạm trổ
theo phẩm trật. Trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt. Tất cả đều có
quy ước sẵn. Quai nón to và dày, bằng lụa hay gấm. Cách buộc quai cũng
khác. Giải nón dài độ 1,2m, quàng qua hai quai và thắt một lần ở dưới
cằm, phần thừa tòng teng như đeo cà vạt. Có thế quai mới dễ điều chỉnh,
nhất là khi đi ngựa. Trông thầy Chánh, cụ Lý cưỡi ngựa đội nón chụp bạc
thật là oai. Dân làng ngại các uy của các thầy lắm nên có bài đồng dao
hát vòng tròn thật hóm hỉnh:
Thầy Chánh, nón chụp bạc, áo tam giang
Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te...
Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te...
Nón ngựa không bán ở chợ vì đắt giá hơn
nón ngang rất nhiều. Người cần nón phải đặt hàng. Nón ngựa rất chắc
chắn, công phu và mỹ thuật, đã vang bóng một thời trên quê hương Bình
Định. Nón ngựa gần như một sản phẩm mỹ thuật. Ngày nay ít người dùng nên
nghề chằm nón ngựa không phổ biến lắm.
Hiện nay, nghề làm nón ngựa ở xã Cát
Tường, huyện Phù Cát, Bình Định vẫn được duy trì và phát triển. Làng
nghề này có truyền thống đã hơn một trăm năm, trải qua biết bao thăng
trầm nhưng nghề làm nón ngựa vẫn tồn tại và phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét