Đặc sản của Bình Định khá phong phú. Nem chua chợ Huyện, cua Huỳnh
Đế, cá Đại Gia (còn gọi là cá niên, sống ở các hóc đá nơi suối cao)...
Trong số hàng “ẩm thực thượng thặng” còn có loại cá chua đậm đà hương vị
của riêng miền đất võ.
Không ai biết cá chua có từ bao giờ, chỉ biết nó xuất hiện rất
nhiều ở đầm Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Cho đến nay, loại cá
này vẫn chưa nhân giống được, chủ yếu sinh trưởng, phát triển hoàn toàn
tự nhiên. Gần đây, phong trào nuôi cá chua ở ao hồ khá phát triển, bằng
nguồn giống lấy từ đầm Đề Gi. Có một bộ phận dân cư quanh đầm chuyên đi
bắt cá chua con về ươm một thời gian thì đem bán cá giống với giá từ
1.500 - 2.500 đồng/con.
Ở Bình Định, cá chua có quanh năm, nhưng chất lượng cá ngon nhất và độ
mùa xuân - hạ, và độ tuổi chừng 4 - 5 tháng. Nhiều nhà hàng ở Quy Nhơn
đều có đặc sản cá chua, nhưng thực khách nơi xa đến không dễ gì biết mà
gọi nếu chủ quán... quên giới thiệu hoặc không có “thổ địa” đi cùng.
Loại cá chua thường sinh trưởng tốt ở môi trường nước sà hai (nước lợ)
nên chất lượng thịt rất thơm ngon, càng nhai kỹ càng cảm nhận nhiều vị
ngọt của miếng cá. “Tuổi đời” cá chua quyết định độ thơm ngon. Cá còn
nhỏ thì chất thịt chưa ngon, nhưng da cá và phần đầu lại rất quyến rũ.
Cá già khiến cho phần da hơi cứng, nhưng thịt thì săn chắc ngon hết chỗ
chê. Anh Quyền, chủ hồ nuôi cá chua ở đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn) bật mí:
“Cá bắt vào ban đêm thì ăn trọn con, không bỏ bộ phận nào, kể cả phần
ruột; bắt buổi ngày thì phải bỏ đi bộ lòng vì nó còn đọng nhiều tạp chất
khiến hương vị cá khi chế biến có vị đắng”.
Cá chua được chế biến nhiều món: cá chua hấp, cá chua nấu lá giang, cá
chua nấu mẳn (chỉ nấu với nước và hành, không phụ thêm gia vị), nhưng
thú vị nhất là nướng lá chuối ăn kèm muối ớt tươi. Món nướng thì ít nơi
làm vì độ công phu của nó, nhưng nếu có một người quen nuôi cá chua,
cuối tuần ra bờ hồ câu vài con, đốt than lên nướng và thưởng thức, hầu
như ai cũng sẽ phải thốt lên: “Chu cha, thiệt là ngon!”.
Bài, ảnh: Đình Phú
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét