menu

Được đăng bởi An Nguyen vào lúc 22

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Bình Định: Làm giàu từ nghề làm bún kết hợp chăn nuôi và trồng trọt


Không khuất phục trước đói nghèo, ông Nguyễn Văn Trung đã chịu khó tìm tòi, học hỏi, khai thác tiềm năng lao động của gia đình và lợi thế đất đai để phát triển nghề làm bún tươi kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả.


Đó là ông Nguyễn Văn Trung- 47 tuổi, ở thôn An Đức- xã Cát Trinh- huyện Phù Cát-tỉnh Bình Định. Không khuất phục trước đói nghèo, ông đã chịu khó tìm tòi, học hỏi, khai thác tiềm năng lao động của gia đình và lợi thế đất đai để phát triển nghề làm bún tươi; đồng thời kết hợp chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả. Nhờ đó, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định, đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển, được nhiều người mến phục.

Trước đây, gia đình ông thuộc diện khó khăn vì đông con và không có việc làm ổn định. Ông đã làm rất nhiều nghề khác nhau như đi rà sắt phế liệu, mua máy tuốt lúa, xay xát gạo thuê... nhưng những nghề này thu nhập bấp bênh mà lại không an toàn. Vì thế, ông luôn trăn trở tìm ra hướng đi riêng để tạo việc làm và thu nhập ổn định, đưa gia đình thoát khỏi nghèo khó. Qua nhiều đêm suy nghĩ, ông nhận thấy điều kiện lao động dồi dào của gia đình rất phù hợp để làm nghề bún tươi- một nghề truyền thống của gia đình và địa phương. Từ đó, ông đã vay mượn vốn để mua máy về làm bún và tìm kiếm thị trường tạo đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, bước đầu nghề làm bún của gia đình ông được duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm và thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, với máy này mỗi ngày chỉ làm ra khoảng 200kg bún, trong khi đó bún của gia đình ông được thị trường ưa chuộng và nhu cầu ngày càng cao nhờ chất lượng ngon và giá cả cạnh tranh.



Vì thế, khoảng năm 2005, ông Trung đã tìm đến các địa phương khác để nghiên cứu, học hỏi cách làm và tham quan những mô hình sản xuất quy mô lớn để về áp dụng vào thực tế sản xuất ở gia đình mình. Từ đó, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn gần 100 triệu đồng mua máy và các dụng cụ làm bún quy mô lớn, công nghệ cao với công suất làm ra 200kg bún/giờ, đồng thời thuê khoảng 1ha đất xa khu dân cư để mở rộng cơ sở sản xuất. Hiện tại, cơ sở sản xuất bún tươi của ông Trung đã giải quyết việc làm cho 6 lao động là con, dâu, rể của gia đình. Mỗi ngày, cơ sở này làm ra từ 800kg đến 1 tấn bún tươi. Với giá bán hiện tại là 6.500 đồng/kg, mỗi kg bún sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi 1.500 đồng. Như vậy với 800kg bún, mỗi ngày gia đình ông thu lãi 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn sắm xe tải nhỏ để chở bún đi giao đến các đầu mối tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhờ bún làm ra có chất lượng ngon, giá cả hợp lý nên được thị trường ưa chuộng. Hiện tại, bún của gia đình ông được phân phối đến nhiều địa phương trong và ngoài huyện, tận các xã ở xa như Cát Khánh, Cát Sơn và một số địa phương ở huyện Phù Mỹ. Và mới đây, ông đã đầu tư thêm 50 triệu đồng mua máy về làm bánh ướt; mỗi ngày làm khoảng 120kg bánh ướt, với giá bán 7.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 300.000 đồng.Ngoài làm bún, ông Trung còn khai hoang và thuê mướn gần 3 ha để trồng hơn 1,6ha  bạch đàn và hơn 1,3ha còn lại trồng cây hồ tiêu- một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao mà ông đã có nhiều thời gian nghiên cứu và am hiểu về nó. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn phụ phẩm là nước vo gạo từ cơ sở sản xuất bún, ông còn xây dựng chuồng trại trong vườn bạch đàn để chăn nuôi bò; trong những năm gần đây, mỗi năm ông bán từ 4 đến 5 con bê với giá trị mỗi con từ 12-15 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng quỹ đất quanh vườn nhà và nguồn phụ phẩm từ cơ sở làm bún, ông còn đầu tư xây dựng chồng trại thả nuôi 3 ngàn con gà ta theo hình thức gối đầu chia làm 3 lứa, mỗi lứa 1 ngàn con và cách nhau 1 tháng, nuôi hết lứa này đến lứa khác. Nhờ chọn con giống có chất lượng, thực hiện tiêm phòng đầy đủ và thường xuyên tiêu độc, sát trùng vệ sinh chuồng trại nên đàn gà phát triển tốt, ít dịch bệnh. Mỗi lứa gà nuôi 3 tháng khi bán có trọng lượng khoảng 1,5 kg/con, với giá hiện tại 70 nghìn đồng/kg, mỗi lứa 1.000 con, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Không những thế, nguồn phân chuồng từ chăn nuôi còn được dùng để bón cho vườn bạch đàn và vườn tiêu. Nhờ vậy, các loại cây trồng của gia đình ông đều phát triển rất tốt. Riêng vườn bạch đàn, cứ 3 năm thu hoạch 1 lần, sau khi trừ chi phí cho lãi trên 100 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập từ làm bún, bánh, chăn nuôi gà, bò và bạch đàn, mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 700 triệu đồng. Nhờ vậy, ông đã trả hết nợ nần, có điều kiện để xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng đắt tiền và lo cho các con đầy đủ. Hiện vườn tiêu của ông có trên 1.200 gốc từ 2-3 năm tuổi đang chuẩn bị ra trái, triển vọng trong những năm tới, khi vườn tiêu cho thu hoạch thì thu nhập của gia đình ông sẽ còn tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Trung chia sẻ: “Nhà tôi đông con, hoàn cảnh trước đây khó khăn. Không muốn các con mình phải khổ nên tôi đã tìm mọi cách để đưa kinh tế gia đình phát triển. Để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân tôi và các thành viên trong gia đình. Tôi nhận thấy, muốn thành công thì trước hết phải chọn hướng đi đúng, kết hợp với sự năng động, sáng tạo, cần cù và quan trọng nhất là phải có niềm đam mê và quyết tâm không chịu khuất phục trước đói nghèo”.

Phù Cát:Phát triển nuôi cá trên ruộng lúa.


Hướng tới mục tiêu thu nhập trên 50 triệu đồng/ ha, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh. Năm 2005, Phù Cát đã tiếp tục triển khai thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa tại 2 xã Cát Trinh, Cát Hưng, với quy mô mỗi xã 1 ha. Gồm các loại cá như: rô phi đơn tính, chép, trắm, cá lóc. Trên diện tích này được đào mương xung quanh rộng từ 1,2 đến 4 mét, sâu từ 0,8 đến 1 mét, cứ 100 mét vuông ao được xử lý 15 kg vôi, 20 kg phân chuồng. Mặt ruộng sạ lúa, sau đó cho thả cá giống với mật độ 1,4 con/m2 ruộng. Chọn lúc trời mát trong ngày để thả cá. Khi thả, ngâm túi đựng cá giống vào ao khoảng 10 phút, để tránh tình trạng cá bị sốc do môi trường, sau đó mở túi cho nước vào từ từ. Trong suốt quá trình nuôi, thường xuyên kiểm tra bờ ao chống rò rỉ làm thất thoát cá và đề phòng rắn, rái, chim... hại cá. Nguồn thức ăn dùng hỗn hợp nấu chín gồm: cám gạo, bột ngô, và khô dầu đậu phụng theo tỉ lệ 2-1-2, cho ăn mỗi ngày 2 lần với liều lượng từ 3 đến 5% trọng lượng cá trong ao. Đến khi lúa kết thúc thời kỳ đẻ nhánh, dâng nước mặt ruộng để cá vào ruộng lúa bắt mồi, đồng thời kiểm tra thay nước trong ao nuôi. Kết quả thu hoạch cho thấy: tại Cát Hưng 1 ha nuôi cá lóc cho tổng thu nhập đạt 72 triệu đồng/năm, tại Cát Trinh với 1 ha nuôi cá chép, rô phi đơn tính và trắm cỏ thu nhập trên 54,5 triệu đồng/ năm.
Như vậy qua 2 năm triển khai thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, kết quả cho thấy: trong 1 năm 1 ha sản xuất 2 vụ lúa và nuôi 1 vụ cá sẽ có mức thu nhập ít nhất cũng đạt 54 - 70 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn thực lãi hơn 30 triệu đồng, cao hơn từ 2 đến 3 lần so với SX lúa thuần trước đó, trên cùng chân ruộng.
Tuy nhiên, qua đánh giá của địa phương và những hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình đều thống nhất cho rằng: Kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng mà còn có thể đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều bởi trên thực tế quy trình và kỹ thuật nuôi cá chưa đáp ứng được yêu cầu như: Việc kiến thiết ao nuôi chưa đạt so với yêu cầu, vì diện tích ao được làm sát với bờ ruộng nên dễ bị thất thoát do mất trộm, việc vệ sinh ao nuôi không được chú trọng, tình trạng cỏ dại quá nhiều; nguồn nước nuôi không được tốt vì độ phèn quá cao, làm ảnh hưởng đến việc phát triển của cá nhất là cá chép, cơ cấu từng loại giống cá nuôi chưa hợp lý theo từng điều kiện cụ thể như: trường hợp ở Cát Trinh 1, trong tổng số gần 14.000 con cá thả nuôi chỉ có 1.000 con cá rô phi đơn tính, mà loại cá này rất chóng lớn chỉ sau hơn 6 tháng bình quân đạt trọng lượng 6 -7 lạng/con. Trong khi đó có đến trên 10.000 con cá chép, cùng trong thời gian nuôi chỉ đạt trọng lượng 2 - 3 lạng/con. Mặt khác, mật độ nuôi 1,4 con/ m2 là quá dày. Bên cạnh đó tình trạng ruộng manh mún còn là trở ngại không ít trong việc kiến thiết ruộng nuôi, dẫn đến tình trạng tăng chi phí đầu tư và khó có thể thực hiện nuôi lâu dài, nên làm giảm hiệu quả kinh tế...
Để tiếp tục mở rộng diện ứng dụng mô hình trước hết cần giải quyết vấn đề ruộng manh mún, bằng cách Nhà nước và ngành chức năng có kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửa, nhằm tạo điều kiện để nông dân đầu tư kiến thiết cơ bản nuôi lâu dài. Về cơ cấu giống cá nuôi phải được chú trọng, và mật độ thả nuôi nên thực hiện khoảng 1 con/m2 nhằm bảo đảm cho cá có điều kiện phát triển, bảo đảm hợp lý theo từng điều kiện cụ thể của từng vùng. Vấn đề này đòi hỏi ngành chuyên môn có sự điều tra nghiên cứu và hướng dẫn cho nông dân. Về kỹ thuật sạ lúa nên thực hiện sạ hàng để cá dễ dàng di chuyển tìm mồi trên ruộng. Đồng thời thường xuyên cập nhật và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá để nông dân ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất hạn chế rủi ro. Có chính sách hỗ trợ hoặc giảm giá cá giống nhằm khuyến khích ngày càng nhiều nông dân đầu tư vốn thực hiện mô hình.
Nuôi cá trên ruộng lúa là một nghề mới, cách làm ăn mới có thu nhập cao ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, dễ triển khai ứng dụng trên diện rộng. Đặc biệt là mở ra hướng đi cho các vùng độc canh cây lúa, đồng thời góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường sinh thái từ việc kết hợp 2 lĩnh vực SX là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Phù Cát hiện có hơn 20 hồ chứa nước và trên 4.000 ha ruộng canh tác chủ động nước, có khả năng kết hợp nuôi cá. Giải quyết những vấn đề đặt ra là tạo điều kiện để những năm sắp đến phong trào sản xuất lúa kết hợp nuôi cá được nhanh chóng mở rộng diện ứng dụng, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Phù Cát (Bình Định): Cân nhắc với cây tiêu

Những năm gần đây, giá tiêu luôn ở mức cao, nên nhiều nông dân ở các xã quanh khu vực núi Bà của huyện Phù Cát (Bình Định) đổ xô trồng tiêu; một số hộ phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu, rất dễ xảy ra rủi ro.
Một vườn tiêu đang phát triển tốt ở xã Cát Trinh. Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cây tiêu có mặt trên địa bàn huyện cách đây hơn chục năm, do một số người dân xã Cát Sơn trồng tự phát trên cây rừng, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất không cao. Gần đây, giá tiêu khá cao, 120 - 150 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng tiêu ở Phù Cát được đẩy mạnh.
Toàn huyện hiện có trên 30 ha tiêu, tập trung ở các xã: Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Lâm, Cát Sơn… Xã Cát Trinh có diện tích tiêu nhiều nhất huyện, với hơn 50 hộ trồng tiêu trên diện tích gần 15 ha. Ông Nguyễn Văn Thơm là một trong những người tiên phong trồng tiêu ở Cát Trinh, với vườn tiêu trên 350 gốc, một số đã cho thu hoạch, năng suất khá cao, trên 5kg/gốc.
Ông Hà Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Trinh, chia sẻ: Sở dĩ phong trào trồng tiêu ở xã phát triển mạnh là do trước đây bà con trồng thử và thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương phù hợp với cây tiêu, cộng với giá tiêu cao nên đầu tư trồng nhiều hơn. Cây tiêu ở Cát Trinh nếu được đầu tư chăm sóc tốt thì năng suất không thua kém cây tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên.
Có thể thấy rằng, việc trồng tiêu ở Phù Cát và ở một số địa phương trong tỉnh là không mới, như huyện Hoài Ân có trên 300 ha tiêu, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Song đặc điểm của cây tiêu là “nắng không ưa, mưa không chịu”; khi cây tiêu đã bị bệnh thì sẽ lây lan rất nhanh, không có thuốc đặc trị. Trong khi hầu hết các hộ trồng tiêu ở Phù Cát chủ yếu là tự phát, với hình thức quảng canh, chưa được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu một cách bài bản, nếu phát triển ồ ạt thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Thực tế ở các vùng trồng tiêu chuyên canh như Gia Lai, Đắk Lắk và huyện Hoài Ân cũng đã xảy ra tình trạng tiêu bị bệnh chết hàng loạt mà không cứu chữa được.
Ông Phan Sỹ Hùng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Nhằm giúp nông dân có kiến thức trồng tiêu, năm 2014, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng 2 mô hình khuyến nông cây tiêu. Cái khó là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện chưa có chuyên môn sâu về chăm sóc và phòng trừ bệnh cho cây tiêu. Thời gian tới, nếu có điều kiện sẽ tổ chức cho một số nông dân đến các vùng trồng tiêu chuyên canh học hỏi kinh nghiệm; đồng thời tiến hành khảo sát những vùng đất phù hợp để cây tiêu ở Phù Cát phát triển bền vững, tránh tình trạng “thấy người ta ăn khoai thì cũng vác mai đi đào”.
Cũng theo ông Phan Sỹ Hùng: Nếu giá cả ổn định như hiện nay thì việc phát triển cây tiêu là điều tốt, nhưng nếu mở rộng, ngành nông nghiệp huyện sẽ khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh... Để bảo đảm lợi ích kinh tế, bà con nông dân nên xây trụ tiêu bằng gạch nung, hoặc bằng cây sống, trồng xen canh trong vườn điều để tăng lợi ích trên một diện tích, đồng thời tạo môi trường hài hòa cho cây tiêu phát triển. Có như vậy cây tiêu mới trở thành “cây làm giàu” cho bà con được.
LÊ PHƯƠNG

Thể thao huyện Phù Cát: Những “phát hiện” thú vị ở môn billiards

Chừng 3 năm trở về trước, các cơ thủ Phù Cát hầu như không có cửa tranh chấp thứ hạng với các VÐV mạnh của TP Quy Nhơn và một vài địa phương khác trong tỉnh. Nhưng điều đó đã thay đổi chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ sự tham gia nhiệt tình từ một vài hạt nhân phong trào.
Anh Võ Nguyễn Duy Nguyên trong lần tham gia Giải billiards Galaxy mở rộng lần I - năm 2014.
Để nắm bắt trình độ cũng như thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu môn billiards tại địa phương, năm 2006, Trung tâm VH-TT-TT Phù Cát đã tổ chức Giải vô địch billiards toàn huyện. Nhưng kể từ đó đến nay, do khó khăn về kinh phí, lại thiếu sự chung tay của các nhà tài trợ, đã không có thêm giải đấu nào được tổ chức. Phong trào billiards ở Phù Cát vì thế chỉ duy trì ở góc độ “vui là chính” chứ không thể phát hiện ra những cơ thủ xuất sắc, đủ sức tranh tài ở các giải đấu cấp tỉnh.
Hệ thống bàn billiards trong toàn huyện Phù Cát không nhiều, chủ yếu để phục vụ nhu cầu giải trí thông thường của thanh niên. Nên những người hâm mộ billiards chưa dám nghĩ đến chuyện VĐV Phù Cát sẽ sớm tranh chấp huy chương ở môn thể thao này.

Phù Cát: Phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Năm 2014, huyện Phù Cát đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,1 triệu đồng, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 2013; tổng thu ngân sách nhà nước hơn 496 tỉ đồng, vượt 22,6% so kế hoạch năm. Trong điều kiện khó khăn chung của cả nước và cả tỉnh thì kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của Ðảng bộ và nhân dân trong huyện. 
Nông dân Phù Cát thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Sản xuất nông nghiệp của huyện có chuyển biến tích cực khi sản lượng nhiều loại sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp vượt chỉ tiêu kế hoạch. Năm nay, huyện đã triển khai được 50 mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích gần 2.500 ha. Kết quả cho thấy, các mô hình cho hiệu quả cao hơn so với ngoài mô hình 4 - 12 triệu đồng/ha (đối với cây lúa) và từ 11 - 12 triệu đồng/ha (đối với cây đậu phụng).
Ðến nay, Phù Cát có xã Cát Trinh đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, xã Cát Hiệp và xã Cát Tài đạt 16 tiêu chí; các xã còn lại đạt 10 - 14 tiêu chí
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Huyện ủy, UBND huyện chú trọng chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đến nay, Phù Cát có xã Cát Trinh đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, xã Cát Hiệp và xã Cát Tài đạt 16 tiêu chí; các xã còn lại đạt 10 - 14 tiêu chí. Điều đáng ghi nhận sau 4 năm xây dựng nông thôn mới ở Phù Cát là kinh tế phát triển khá, bộ mặt nông thôn tiếp tục được đổi mới, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được chăm lo, từng bước được cải thiện. 

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Cát Thành (Phù Cát - Bình Định): Ồ ạt khai thác titan trái phép

Thời gian gần đây ở xã Cát Thành (Phù Cát) đã rộ lên tình trạng một số người dân đổ xô khai thác ti tan trái phép tại các bãi cát và khu vực rừng phòng hộ ven biển thuộc thôn Hóa Lạc. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cát Thành, hiện nay có khoảng trên 100 hộ dân thuộc thôn Hóa Lạc và một số người ở các nơi khác đến khu vực bãi cát và khu rừng phòng hộ ven biển thôn Hóa Lạc để đào bới lấy cát đen, rồi đãi lọc lấy titan đem bán cho một số đầu nậu.

Dọc theo suốt chiều dài bãi cát ven biển và khu rừng phòng hộ ở đây mỗi ngày có hàng trăm người, hình thành từng nhóm dùng cuốc xẻng ngang nhiên đào bới, tìm hốt loại cát đen cho vào máng đãi tuyển lấy ti tan rồi đóng bao để bán. Bãi cát và khu rừng phòng hộ bị đào bới hình thành những hố sâu nham nhở, những cây đứng trơ gốc rễ. Hàng ngày có 4-5 chuyến xe đến vận chuyển titan đi nơi khác. Việc làm này không chỉ xâm hại đến tài nguyên quốc gia, mà còn hủy hoại môi trường sinh thái. Những rừng dương chắn cát bị đào bới trơ gốc rồi sẽ đổ ngã và bị chết, rừng phòng hộ dần bị thu hẹp, đe dọa đến cuộc sống và sản xuất của người dân địa phương. Những hố sâu do khai thác titan để lại sẽ trở thành những cái bẫy nước. Khi mùa mưa đến, gây ra những hậu quả khó lường...
Bà Nguyễn Thị Nưng, ở thôn Hóa Lạc, có nhà ở ven biển gần khu vực bị đào bới, cho biết: “Họ tự do đào bới ngay xung quanh khu vực nhà tôi đang ở, tạo nên những hầm hố sâu rồi bỏ đó, nên việc đi lại rất khó khăn. Mùa mưa vùng này bị ngập nước, người đi đường dễ bị sụp hầm, nguy hiểm đến tính mạng, nhất là trẻ con. Đã có trường hợp trẻ con chết nước một cách đáng tiếc vì sụp hầm do việc hốt đất cát mà không san lấp trả lại mặt bằng”.
Trước tình hình khai thác titan trái phép một cách ồ ạt tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường đến kiểm tra thực tế và lập biên bản xử lý một số trường hợp khai thác, chứa titan trái phép. Đồng thời, huyện cũng đã tiến hành họp dân quán triệt các chủ trương chính sách của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường; phân tích những tác hại do việc khai thác titan trái phép đối với cuộc sống của người dân trước mắt cũng như lâu dài.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác titan trái phép ở Cát Thành không hề giảm, mà những “titan tặc” còn tinh vi hơn. Từ chỗ dùng cuốc xẻng đào bới để hốt cát đen đưa vào máng đãi tuyển lấy titan, họ chuyển sang đóng giếng, dùng máy nổ hút cát đen lên rồi lọc tuyển. Khi có kiểm tra của chính quyền, họ thông báo với nhau qua điện thoại di động và tất nhiên việc khai thác được tạm thời dừng, các giếng khai thác được lấp dấu ngay. Sau khi đoàn kiểm tra đi họ lại tiếp tục khai thác. Còn các xe vận chuyển titan thì chuyển sang hoạt động vào ban đêm, khoảng 2-3 giờ sáng, làm cho người dân nơi đây cũng không thể yên giấc ngủ.
Sớm chấm dứt vấn nạn trên để bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân địa phương... là vấn đề cần làm ngay của các cấp, các ngành có trách nhiệm trong vấn đề này.

Bình Định: Ngư dân Cát Tiến (Phù Cát) trúng đậm tôm hùm giống

Khoảng 10 ngày trở lại đây (từ 12 - 22.1) trên vùng biển xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) xuất hiện nhiều tôm hùm giống...
Khoảng 10 ngày trở lại đây (từ 12 - 22.1) trên vùng biển xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) xuất hiện nhiều tôm hùm giống. Hơn 45 tàu thuyền với 315 lao động đã liên tục bủa lưới đánh bắt. Kết quả, mỗi đêm một tàu thuyền đán bắt từ 40 đến 170 con tôm hùm giống, thu được 10 triệu đồng đến 42 triệu đồng/ đêm.
Theo ông Trần Đình Thời, Phụ trách thủy sản UBND xã Cát Tiến, chưa năm nào tôm hùm giống xuất hiện nhiều như năm nay và giá rất cao. Tính từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay bà con trong xã đánh bắt được 21.292 con thu, nhập trên 5,3 tỉ đồng. Nhiều ngư dân thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 250 triệu đồng như ngư dân Nguyễn Thái Hòa, Ngô Đức lợi, Nguyễn Văn Minh… Do sản lượng đánh bắt khá nên tôm hùm giống đến sáng 22.1 tụt xuống còn 200 ngàn đồng/con. Trước đó, vào đầu vụ tôm hùm giống giá cao nhất 360 ngàn đồng/con.

Xoài cát Phù Cát (Bình Định)


Xoài cát Phù Cát (Bình Định) thuộc giống xoài cát Hòa Lộc, được sản xuất theo phương pháp VietGAP, chất lượng thơm ngon, hương vị đậm đà, mỗi quả nặng từ 0,25 - 0,6kg, giá cả phù hợp, nên đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Thu hoạch xoài cát. Ảnh: T.SỸ
Huyện Phù Cát có 250 ha xoài cát được trồng tập trung tại các xã: Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Trinh. Đây là giống xoài cát Hòa Lộc, được nông dân mua từ các tỉnh miền Nam về trồng từ năm 1999 - 2000, năng suất bình quân đạt khoảng 4,5 tấn/ha. Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và kỹ thuật đầu tư chăm sóc của bà con nông dân, xoài cát ở Phù Cát thường ra hoa, tạo quả muộn, thời vụ thu hoạch từ tháng 4 đến mùng 5.5 Âm lịch hàng năm. Vào thời điểm này, các tỉnh có diện tích xoài lớn như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Khánh Hòa… không còn nhiều xoài để bán vì đã thu hoạch và tiêu thụ sớm hơn từ 1 đến 2 tháng, là điều kiện thuận lợi về đầu ra cho xoài cát Phù Cát.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ từ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh thông qua hoạt động chuyển giao quy trình chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP cho người trồng xoài, đã nâng cao chất lượng sản phẩm xoài cát Phù Cát. Sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2012 đến nay, sản phẩm xoài cát Phù Cát đã được Công ty TNHH Nông lâm sản Nam Việt (TP Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu, vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các HTX tiếp tục sử dụng các trang thiết bị, máy móc do Dự án Cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ, đồng thời hướng dẫn bà con xã viên áp dụng quy trình kỹ thuật đầu tư chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao sản lượng, chất lượng. Ngành Nông nghiệp huyện cũng đang xúc tiến việc đăng ký thương hiệu xoài cát Phù Cát, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập từ loại cây trồng này.

Phố ốc ở Phù Cát

(Bình Định) - Thơm, rất thơm, thơm nức cả mũi. Ấy là mỗi khi đạp xe chầm chậm đi ngang “phố ốc” thị trấn Ngô Mây (Phù Cát, Bình Định) quê nhà. Là trong nỗi nhớ của mình ấy thôi, chứ bây giờ, mười năm có lẻ nay biết ra sao...

Ốc um phố huyện Phù Cát, một món quà vặt của tuổi học trò, món ghiền của dân nhậu và cũng là một món để thương, để nhớ trong những năm tháng dài xa quê. Ốc um nên nước ốc rất đậm đà, thơm ngon chứ không hề “nhạt như nước ốc” vì nó dành để chỉ món ốc luộc.


Và điều đặc biệt nhất là toàn bộ những con ốc ở đây, dù to, dù nhỏ, dù lớn, dù bé đều đã được bấm bỏ phần xoắn ốc cuối cùng hết trọi. Thưởng thức món ốc này không cần dùng tăm nhọn, kim băng nay nĩa nhỏ để khều mà chỉ cần đưa lên miệng, hút mạnh nghe “soạt” một cái, thế là xong! Đó cũng là lý do tại sao khu ẩm thực dân dã này được mang tên ốc hút – một thương hiệu rất “kêu”.

Khi mới ăn ốc kiểu này có thể bạn sẽ thấy lúng túng, bỡ ngỡ nhưng chỉ cần vài lượt, bạn sẽ thấy thú vị ngay! Và nếu bạn thấy tốc độ ăn của bạn chậm hơn người đồng hành, bạn có thể dùng những “vũ khí” đã chuẩn bị sẵn trên bàn để “chiến đấu” với những con ốc thơm phức kia.

Theo các cô, các chị chủ quán ở đây thì “phố ốc” ở đây hình thành những năm 1998 – 1999 và khi ấy ốc hút là một món mới. Để cắt bỏ phần đuôi ốc, người ta dùng kiềm và làm hoàn toàn thủ công. Làm sạch những món ăn dân dã như ốc đồng trước khi chế biến đã là kỳ công nhưng chiều khách bấm đuôi ốc như ở đây mới quả là cực nhọc.

Có cô còn nói nửa thật nửa đùa, nhiều khi ngồi bấm từng con ốc bé xíu mà nghĩ oán “cái con quỷ nhỏ” nghĩ ra cái trò bấm đuôi ốc này chi cho giờ khổ dữ vậy nè. “Cái con quỷ nhỏ” mọi người nói là một người phụ nữ xứ khác đến sống bằng nghề buôn bán vỉa hè. Ban đầu xào ốc um đã làm sạch phần cuối cho con, sau đem ra bán thử nghiệm cho khách. Khách ăn mê, vậy là ai muốn gia nhập kinh doanh ở phố ốc đều phải làm theo cách này.

Nhưng nếu chỉ bấm đuôi ốc thôi thì khách chỉ đến một đôi lần vì tò mò vì một cách thưởng thức lạ. Điều níu chân khách quay lại nhiều lần chính là hương thơm sực nức và vị ngon khó cưỡng của ốc.

Loại ốc cơ bản của phố này là ốc gạo, sau khi mua về ngâm một đêm, chà rửa xong mới bấm đuôi. Công đoạn này làm từng con một nên ốc chết, ốc hư được loại bỏ gần như tuyệt đối. Sau đó là luộc, rửa sạch rồi mới bắt đầu um. Nguyên liệu um ngoài xả, hành, ớt, rau ngổ còn phải có vị chua (lá dang hoặc me khô) và nước cốt dừa để tăng thêm vị béo ngậy.

Góp không nhỏ thành công cho món ốc chính là nước chấm. Này là gừng, là ớt, là tỏi, là đường, bột ngọt và nước mắm ngon với một tỷ lệ theo công thức của từng quán để làm dậy thêm từng con ốc dai, giòn sần sật. Lại nữa là rau. Món bình dân nên rau cũng rẻ tiền, dân dã: rau răm, chuối chát non, khế hay xoài ăn với ốc đều rất hợp. Và nếu bạn không còn “con nít”, bạn có thể dùng thêm vài chén rượu trắng cho ấm bụng trước khi về.

Chỉ nhớ đến đó thôi, bản đồng ca dậy mùi hương của các loại gia vị, rau thơm quê nhà của tô ốc um quê nhà như là đang phảng phất quanh đây.

Bình Định: Ngư dân Cát Tiến (Phù Cát) trúng đậm tôm hùm giống

Khoảng 10 ngày trở lại đây (từ 12 - 22/1) trên vùng biển xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) xuất hiện nhiều tôm hùm giống. Hơn 45 tàu thuyền với 315 lao động đã liên tục bủa lưới đánh bắt. Kết quả, mỗi đêm một tàu thuyền đán bắt từ 40 đến 170 con tôm hùm giống, thu được 10 triệu đồng đến 42 triệu đồng/ đêm.

 
Vá lưới chuẩn bị đánh bắt tôm hùm giống - Ảnh Xuân Thức
Theo ông Trần Đình Thời, Phụ trách thủy sản UBND xã Cát Tiến, chưa năm nào tôm hùm giống xuất hiện nhiều như năm nay và giá rất cao. Tính từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay bà con trong xã đánh bắt được 21.292 con, thu nhập trên 5,3 tỉ đồng. Nhiều ngư dân thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 250 triệu đồng như ngư dân Nguyễn Thái Hòa, Ngô Đức lợi, Nguyễn Văn Minh… Do sản lượng đánh bắt khá nên tôm hùm giống đến sáng 22/1 tụt xuống còn 200.000 đồng/con. Trước đó, vào đầu vụ tôm hùm giống giá cao nhất 360.000 đồng/con.

Phù Cát: Dự án khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội – Treo cho đến bao giờ

Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội, nằm trên địa bàn xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Tỉnh Bình định đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt. UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép đầu tư vào tháng 12 năm 2006, có thời gian hoạt động 50 năm, và được Công ty ITC - Spectrum (Hoa Kỳ) khởi công ngày 03/12/2007 và cuối năm 2012, Chính Phủ lại gia hạn cho dự án này thêm 5 năm nữa, tức là dự án này hoạt động 55 năm.

alt
Khu du lịch Vĩnh Hội sẽ xây dựng trên vùng đất này.

Đây là dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Khu du lịch được xây dựng trên quy mô 320 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD, nằm trong quy hoạch tuyến du lịch trọng điểm Quốc gia Phương Mai - Núi Bà. Dự án bao gồm sân golf 18 lỗ có quy mô hiện đại tại Việt Nam, khu khách sạn nghỉ dưỡng, khu trung tâm hội nghị - quảng trường và các khu thể dục thể thao, giải trí biển, khu bảo tồn sinh thái.
Dự án được thực hiện làm 3 giai đoạn; giai đoạn 1 (2007-2008): triển khai xây dựng chỉnh tuyến ĐT639 đoạn qua khu vực dự án, xây dựng hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, cây xanh; Giai đoạn 2 (2009-2011): xây dựng sân golf, khu khách sạn trung tâm 5 sao, villa golf cao cấp; Giai đoạn 3 (2012-2014), xây dựng resort 5 sao, villa hướng núi, câu lạc bộ thể thao leo núi, bến du thuyền, trung tâm huấn luyện cưỡi ngựa.... Thế nhưng, cho đến nay thời gian trôi qua gần 6 năm, mà công trình vẫn trong trình trạng “đắp chiếu nằm chờ”.

Những bãi biển đẹp của Bình Định

  Nhắc đến Bình Định không ai không biết đến Võ cổ truyền, nghệ thuật hát Tuồng và những ngọn tháp Chăm cổ kính. Nhưng không những thế, địa phương này còn sở hữu nhiều bãi biển tuyệt đẹp làm xao xuyến lòng người. Website : www.dulichbinhdinh.com.vn giới thiệu đến du khách những bãi biển đẹp của Bình Định.
     
   Bãi biển Quy Nhơn                         Bãi tắm Hoàng Hậu - Quy Nhơn            Bãi Xép - Quy Nhơn
   
  Bãi biển Nhơn Lý - Quy Nhơn           Bãi biển Cát Tiến - Phù Cát              Bãi biển Vĩnh Hội - Phù Cát
   
 Bãi biển Tân Thanh - Phù Cát            Bãi biển Tân Phụng - Phù Mỹ         Bãi biển Lộ Diêu - Hoài Nhơn

Phù Cát: Tiềm năng và triển vọng

Núi Bà một dãy xanh xanh
Vọng Phu còn đó sao anh chưa về
           Sân bay Phù Cát
Với ngày xưa, câu ca đó nói lên nỗi lòng của sự chờ đợi. Còn bây giờ, có thể xem đó là một sự gọi mời. Vì ai chưa một lần đặt chân đến vùng đất Phù Cát thì có cảm giác rằng đây là một vùng cát trắng khô cằn, nhưng đó chỉ đúng một phần, còn rất nhiều điều hấp dẫn đang tiềm ẩn. Đó là vùng đất của sự giao hòa thế sông, thế núi, vùng đất giao hòa của non nước biển trời và cũng chính từ vùng đất này đã sản sinh ra truyền thuyết hòn Vọng Phu, sinh ra những địa danh và người con trung dũng kiên cường…
Phù Cát là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định, bắc giáp huyện Phù Mỹ, tây giáp Vĩnh Thạnh và Tây Sơn, nam giáp An Nhơn và Tuy Phước, đông giáp biển đông; cách TP. Quy Nhơn 35km về phía bắc. Diện tích tự nhiên của Phù Cát là 672,470 km2. Dân số 186.263 người (tính đến năm 1998); có 18 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 17 xã và 1 thị trấn.
Điều kiện tự nhiên của Phù Cát khá đặc biệt, vừa có đồng bằng, có rừng và có biển. Phía bắc và phía nam được bao bọc bởi 2 dòng sông La Tinh và Địa Lưu Giang (một nhánh sông Côn). Giữa lòng Phù Cát trồi lên một dãy núi, nổi bật là Hòn Bà cao gần 900m so với mặt biển. Có thể xem dãy núi Hòn Bà là cái lõi của thế núi, thế sông Phù Cát. Núi Bà có nhiều hang động với bao huyền thoại về thời nguyên sơ của Phù Cát.
Phù Cát có bờ biển dài 32km, có cửa biển Đề Gi, đầm Nước Ngọt, nhiều bãi ngang, đảo san hô, thềm lục địa rộng… với nhiều loại hải sản quý: tôm, cá, cua, rong câu và cánh đồng muối Đức Phổ (Cát Minh), Ngãi An (Cát Khánh) cho sản lượng cao (15.000 tấn/vụ). Đặc biệt chất lượng muối Đề Gi nức tiếng xa gần.
Phù Cát có nhiều làng nghề thủ công truyền thống được hình thành từ lâu đời là nón Kiều An, Hiều Huyên, Phong An, An Hành được cả nước biết tiếng. Rồi võng trân Thái Phú, Thái Định, Cảnh An; gốm Vĩnh Trường, Chánh Thiện; đan đát Phú Hội, Phú Đa, Trung Chánh… Bún hủ tiếu Hòa Đại, Hội Vân … đã từng một thời vang tiếng nên có câu ca rằng:
Chợ Gồm đồ gốm
Phú Hội đồ đan
Tiện đường ghé lại Cảnh An
Mua thêm chiếc võng cho nàng ru con
Hòn Vọng phu trên đỉnh Núi Bà
Phù Cát có nguồn khoáng sản rất phong phú. Mỏ Ti Tan ở Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải có trữ lượng lớn (1.200.000 tấn), nguồn cát trắng, cao lanh; nước khoáng Hội Vân và Chánh Thắng; đá ong, đá granite…
Con người Phù Cát thủy chung, nghĩa tình, chuyện về hòn Vọng Phu ở Vĩnh Hội (Cát Hải) ngàn năm sừng sững đợi chờ là một ví dụ. Một Linh Phong Tự (còn gọi là chùa ông Núi) tại Cát Tiến được lập thời Chúa Nguyễn giữa một vùng thiên nhiên xinh đẹp. Dãy núi Bà, một quần thể di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, là niềm tự hào của người dân Phù Cát với những chiến tích lẫy lừng của thời chống Mỹ. Bờ biển Phù Cát có nhiều bãi đẹp như An Quang, Chánh Oai, Vĩnh Hội… nơi mà trời, biển, rừng phi lao vi vu, rừng dừa xanh thẳm cùng hòa quyện với cát trắng và sóng vỗ rì rầm ngày đêm… như vẫy chào du khách. Dòng suối khoáng Hội Vân, một địa chỉ hấp dẫn cho du lịch và chữa bệnh đang gọi mời các nhà đầu tư.
Từ trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống còn lắm khó khăn nhưng con người Phù Cát thể hiện được tính cách đôn hậu, thật thà, cần cù hiếu học và anh hùng. Sử sách còn mãi lưu danh anh hùng Ngô Mây ôm bom ba càng lao vào một cánh quân địch; gương Vũ Bảo anh dũng hy sinh khi chèo thuyền đưa đoàn cán bộ qua sông… Còn rất nhiều tên tuổi lẫy lừng nữa đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đặc biệt, qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhưng truyền thống hiếu học của người dân Phù Cát vẫn luôn giữ vững và phát huy. Đỉnh cao của phong trào hiếu học là xã Cát Hanh, xã đầu tiên trong cả nước được Tổ chức Giáo dục Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tặng bằng khen và Huy chương vàng mang tên nhà giáo dục Liên Xô Cơ-rup-xcai-a năm 1979.
Thời trung đại Việt Nam, Phù Cát tức là huyện Phù Ly thuộc phủ Hoài Nhơn, thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi Hoài Nhơn thành Quy Nhơn. Năm 1832, Phù Ly chia thành huyện Phù Mỹ và Phù Cát, lấy sông La Tinh làm ranh giới, tên Phù Cát có từ đó. Huyện lỵ đầu tiên của Phù Cát ở Xuân Hội sau dời về Hòa Hội (1865), rồi chuyển vào An Hành (nay là thị trấn Ngô Mây).
Huyện Phù Cát hiện nay có 17 xã và 1 thị trấn là: Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Tân, Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Sơn  và thị trấn Ngô Mây.
Người dân Phù Cát sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng vùng đất này lại không được thiên nhiên ưu đãi. Đất ở Phù Cát bạc màu, khô cằn. Quỹ đất tự nhiên khá rộng, xếp thứ 6/11 huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng diện tích trồng trọt lại quá hẹp, chỉ có 19,8% trong khi tỷ lệ này ở các huyện An Nhơn 50%, Tuy Phước 51%. Đất gò ở Phù Cát có tới 38.532 ha chiếm 57,9% quỹ đất tự nhiên. Vùng bán sơn địa này gồm các xã phía tây Quốc lộ 1A cùng cả dải đất ven 2 phía núi Bà từ Cát Hanh và Cát Trinh xuống sát biển. Đất rừng Phù Cát tuy rộng nhưng nghèo kiệt …
Tuy nhiên, Phù Cát có lợi thế nhiều mặt để phát triển kinh tế. Đó là nền nông nghiệp tương đối đa dạng; nông lâm, thủy hải sản, cây trồng vật nuôi được phân bố thích nghi với sinh thái miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Huyện có Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt chạy qua. Có 4 tỉnh lộ nối trung tâm huyện đến các xã và hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng đều khắp đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của người dân nông thôn. Phù Cát có cửa biển Đề Gi tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy. Đặc biệt, sân bay quốc gia nằm trên địa bàn huyện Phù Cát là điều kiện tốt cho giao lưu trong nước và quốc tế.
Hệ thống thủy lợi của huyện tương đối lớn, gồm 19 hồ chứa nước với dung tích 58,4 triệu m3 cùng với các đập dâng, trạm bơm và biện pháp khai thác nước ngầm đảm bảo tưới cho 25.835ha gieo trồng và cải thiện môi trường sinh thái.
Hiện nay Phù Cát đã và đang tìm mọi cách chế ngự sự khắc nghiệt của thiên nhiên bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Về nông nghiệp, ngoài phát triển cây lúa, Phù Cát còn tiếp tục xây dựng và mở rộng diện tích trang trại, chăn nuôi bò sữa, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, nâng cao năng lực đánh bắt hải sản. Huyện cũng đã củng cố và đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương như chế biến thực phẩm, các cơ sở dịch vụ và làng nghề…
Phù Cát cũng đã đẩy mạnh công tác xã hội, văn hóa, giáo dục. Công tác y tế được chú trọng đúng mức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em, từng bước hạ thấp tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống còn 20% vào năm 2005. Phù Cát tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa".
Trong tương lai không xa, khi công trình xây dựng cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hình thành nối liền dự án đường giao thông ven biển, Phù Cát sẽ nằm trong hành lang phát triển kinh tế của tỉnh. Đó cũng chính là điều kiện mở cho các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài tiếp cận với Phù Cát trên các lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ thương mại và du lịch như: Khai thác quặng Ti Tan, suối nước khoáng Hội Vân - Chánh Thắng, khu di tích lịch sử - văn hóa núi Bà, cửa biển Đề Gi - đầm Nước Ngọt, làng nghề truyền thống…

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Suối chùa - Xã Cát Tài - Huyện Phù Cát

Suối xóm Chùa thôn Thái Thuân - xã Cát Tài - huyện Phù Cát.
Suối đá Thái Thuận là điểm vui chơi khá thân quen với các bạn trẻ ở xã Cát Tài và các xã lân cận. Đường đến suối đá khá đẹp với cảnh sinh hoạt bình dị ở miền quê tạo cảm giác như được trở về tuổi thơ.
Đường vào suối đá xóm chùa Thái Thuận phải vượt qua con đường lởm chởm. Tuy nhiên, điều thú vị là con suối đá dẫu vào mùa khô vẫn róc rách nước chảy. Đi dưới tán cây rừng huỳnh đàn mát rượi, xa xa là nhấp nhô đá, kế tiếp là những vườn điều bạt ngàn tạo cảm giác yên bình.

Theo các bạn trẻ, xóm Chùa có gần chục suối đá trải dài từ trên tận đỉnh núi nên đi cả ngày trời mới mong khám phá hết. Vì đi vào buổi chiều nên chúng tôi chỉ có thể đến trầm mình ở suối đá đầu tiên.

Suối đá mùa khô ít nước, nhưng dòng nước vẫn mát lạnh. Trò té nước, từ vực đá tung mình xuống suối và những trò chơi thú vị được cả đoàn hưởng ứng. Con suối đá tuy nhỏ nhưng cũng độ rộng, độ sâu vừa phải nên trò chơi không quá nguy hiểm. Nếu có cơn mưa rừng thì những căn chòi canh điều là nơi trú mưa lý tưởng. Vừa ngắm mưa rừng, vừa nghe gió rừng vi vu thổi quả là thi vị.
Vào tắm ở suối đá, bạn còn dễ dàng mua được những bó rau rừng tươi ngon của những người dân quanh năm mưu sinh bằng nghề hái rau rừng.

Với tôi, đến suối đá xóm Chùa là đến một nơi rất lạ nhưng bao cảm giác thân quen lại chợt ùa về. Đó là bởi chúng tôi được chơi lại những trò vui của tuổi thơ, được thấy lại những hình ảnh đẹp của miền quê yên bình.

VĨNH HỘI, CÁT HẢI, PHÙ CÁT, BÌNH ĐỊNH



 Những hình ảnh quê Ngoại tôi lấy từ trang Blog Nguyễn Xuân Diện. Photo Vinh Hy.

                                                                       Đường về Vĩnh Hội - ảnh Trần Quang Độ 











                                                                                                               Ảnh: Trang Trần

VĨNH HỘI, CÁT HẢI, PHÙ CÁT, BÌNH ĐỊNH
            Viết thương Vĩnh Hội - quê ngoại khi nghe tin
dân làng sẽ bị “đuổi đi” nơi khác để lấy đất làm khu du lịch.

Quê ngoại tôi miền thuỳ dương cát trắng
Nơi hoa đồng cỏ nội, biển và trăng
Nhưng ở đây sinh sống với cày bừa
Ngày một nắng hai sương bao vất vả
Nhưng tình người là những gì khó tả
Đất mẹ 'nghèo cho sạch rách cho thơm'
Đất mẹ dạy tôi: "Nhân Lễ Nghĩa cho tròn
Nam phải lấy Trí Tín cho phải đạo".
Quê ngoại tôi, thiên nhiên đẹp biết bao
Trước biển cát ngút ngàn với gió
Sau là dãy núi Bà hiện rõ
Hòn Vọng Phu yêu dấu chờ chồng
Mùa lúa vàng hát với suối trong
Khoai và sắn thì thầm với biển
Đêm trăng rằm, hồn ai xao xuyến
Tiếng ve kêu theo gió la đà
Đập Đá Bàng véo von với lá
Hòn Đá Heo nằm chình ình mới lạ
Im lìm hay nuối tiếc ông Hét* ơi
Chiều tịch mịch, ánh tà dương vời vợi
Núi rừng thiêng hùng vĩ ngàn đời
Vĩnh Hội ơi! Năm chờ tháng đợi
Một lần về trăm nhớ ngàn thương.

PHÙ CÁT QUÊ TÔI

Tọa lạc trên mảnh đất Bình Định - nổi tiếng ngàn đời là mảnh đất võ, trời văn. Phù Cát sừng sững hiện lên với bao điều kì thú, dòng sông La Tinh vẫn tha thiết bao ngày. Những làng nghề truyền thống như Làng nghề đan đát Phú Đa, đồ gốm Chợ Gồm... mà đâu đấy ta vẫn thường nghe qua tiếng à...ơi... của mẹ.
                      " Chợ Gồm đồ gốm, Phú Hội đồ nan
                    Tiện dường ghé lại Cảnh An, mua thêm chiếc võng cho nang ru con."

 Phù Cát là một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định, nằm trêntọa độ 13054’ –  14032’ vĩ Bắc và 108055’ – 109005’ kinh Đông. Phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Phù Mỹ và Hoài Ân. Phía Nam giáp thị xã An Nhơn, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn. Phía Đông giáp biển Đông với chiều dài 35 km và chếch về phía Đông Nam giáp huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. 

    Theo thống kê, huyện Phù Cát có diện tích là 680,49 Km2dân số trung bình 190.000 người, trong đó nữ chiếm 97.000 người; mật độ dân số 279 người/Km2.

     Hiện nay, trên địa bàn huyện có các dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là người Kinh và một số ít là người Bana gồm 26 hộ, 91 nhân khẩu nằm rải rác tại các xã Cát Sơn, Cát Lâm. 
   

         Về tôn giáo, có các đạo Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài,... với nhiều cơ sở thờ tự lâu đời và nổi tiếng trên địa bàn huyện.

      Phù Cát có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã là Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Trinh, Cát Tân và 01 thị trấn là Thị trấn Ngô Mây. Dưới xã - thị trấn được phân chia thành 117 thôn và khu phố.

      Địa hình Phù Cát đa dạng, gồm có đồng bằng chuyên trồng lúa nước, tập trung ở các xã ven sông Côn và sông La Tinh; vùng núi thấp – gò đồi trồng các loại cây trồng cạn, cây lâm nghiệp; ngoài ra còn có các vùng đầm ven biển thuộc Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành.

     Về núi noncó các dãy núi Trường Sơn đâm xuống nửa phần phía Tây huyện và dãy núi Bà vươn ra sát biển.

     Về sông ngòi, đáng kể nhất là sông Đại An (thuộc hệ sông Côn) nối từ Cát Tường-Cát Nhơn đến Cát Chánh rồi đổ ra Đầm Thị Nại. Sông La Tinh bắt nguồn từ Hội Sơn, đổ ra đầm Đề Gi, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Phù Cát với huyện Phù Mỹ.

    
Trường THPT số 2 Phù Cát ( Cát Minh )

     Về đầm nước lợ có đầm Đạm Thủy với diện tích 1600 ha, tại đây có hệ sinh thái đầm phá ven biển tiêu biểu. Đầm Đạm Thủy nối thông biển qua cửa Đề Gi, tạo nên cảng biển có giá trị.

     Danh thắng của Phù Cát rất đa dạng, trong đó phải kể đến các suối nước khoáng Hội Vân (xã Cát Hiệp), suối khoáng Chánh Thắng (xã Cát Thành). Dãy núi Bà là danh lam thắng cảnh nằm ở  phía Đông Nam của huyện với nhiều hang động ẩn trong lòng núi, có Hòn Vọng phu, Hòn Chuông. Rải dọc theo dãy núi Bà có nhiều ngôi chùa cổ như chùa Tịnh Lâm, chùa Linh Phong, Tân phủ Càn Dương,…

      Các bãi biển chạy dài từ xã Cát Chánh đến Cát Khánh, với các bãi  Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thắng, Chánh Oai, Đề Gi,…

      Ngoài ra, Phù Cát cũng là nơi hình thành và phát triển nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: làng dệt chiếu thôn Phú   Hậu xã Cát Tiến và thôn Chánh Hậu – xã Cát Chánh, làng bánh   tráng và nón ngựa thôn Phú Gia – xã Cát Tường, làng bún bánh thôn An Phong – TT Ngô Mây, làng nhang thôn Xuân Quang – xã Cát Tường, làng đan lát thôn Phú Hiệp – xã Cát Tài và thôn Trung   Chánh – xã Cát Minh. Sản phẩm của làng nghề được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu có sẵn trong khu vực nhưng lại có những  nét  đặc trưng riêng mang đậm bản sắc vùng miền nơi đây, với các sản phẩm nổi tiếng một thời như: nón ngựa Phú Gia, bánh tráng nước dừa, võng, chiếu, bún hủ tiếu, …
   

     Do đặc điểm của địa hình mà nơi đây cũng tập trung nhiều nguồn khoáng sản lớn và phong phú, trong đó phải kể đến: mỏ titan (Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải), các nguồn cát trắng, cao lanh; nước khoáng, đá ong, đá granite, ….

     Hệ thống giao thông Phù Cát đa dạng, rải khắp toàn huyện, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

   
     Về đường bộ, có Quốc lộ 1 đi ngang qua trung tâm huyện; các tuyến đường Tây tỉnh, tuyến ven biển ĐT 639, các tuyến ĐT 633, 634 và 635 nối thông các xã từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, kết nối hệ thống đường liên xã, liên thôn. Tuyến đường sắt với 2 ga chính là ga Phù Cát và Khánh Phước.

    
       Đường hàng hải, với cảng biển neo đậu tàu thuyền Đề Gi, đây chính là nơi giao thương trong và ngoài nước của huyện.

     Đường hàng không có sân bay Phù Cát, cách huyện lỵ 6 km, là một trong những sân bay lớn của cả nước với Cảng Hàng không dân dụng phục vụ các lượt khách đến và đi.


     Nhìn lại quá khứ thì trước năm 1470, Phù Cát thuộc đất Chăm pa. Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn mở rộng bờ cõi đến tận đèo Cù Mông, lập phủ Hoài Nhơn lệ vào thừa tuyên Quảng Nam. Phủ Hoài Nhơn có 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Phù Cát thuộc huyện Phù Ly. Năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng đổi Hoài Nhơn thành Quy Nhơn. Năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, Phù Ly chia thành huyện Phù Mỹ và Phù Cát, lấy sông La Tinh làm ranh giới, tên Phù Cát có từ đó. Huyện lỵ đầu tiên ở Xuân Hội, sau dời về Hòa Hội (1865) rồi vào An Hành (Thị trấn Ngô Mây ngày nay). Cuối thế kỷ XIX, Phù Cát có 4 tổng và 127 làng. Qua nhiều thời kỳ sáp nhập, chia tách, đến năm 1937 toàn huyện có 6 tổng và 114 làng. Khoảng năm 1946 đến tháng 3 năm 1948, bỏ cấp tổng, 2 lần sáp nhập làng xã, còn lại 13 xã, lấy chữ “Cát” làm tên đầu cho các xã mới: Cát Khánh, Cát Minh, Cát Tài, Cát Hanh, Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Thắng, Cát Xương và Hoành Sơn. Trước năm 1975 tiếp tục sáp nhập một số làng cho huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh. Sau năm 1975 đến nay, một số xã đã tách và thành lập đơn vị cấp xã mới gồm các xã Cát Lâm, Cát Tân, Cát Hưng, Cát Tiến, Cát Hải, Cát Thành và Thị trấn Ngô Mây.

       Phù Cát là một huyện đông dân của tỉnh Bình Định. Dân số giữa đời Tự Đức khoảng 39.000 người. Năm 1932 lên đến 81.000 người. Năm 1953 hơn 102.971 người. Năm 1960 có 106.055 người. Năm 1989 tăng lên 154.958 người. Năm 2013 lên đến 190.000 người. Người Phù Cát vừa mang những nét chung của Bình Định và Việt Nam, vừa có các sắc thái đậm đà tính cách địa phương.

     Lớp dân cư Việt Nam đầu tiên của Phù Cát, ngoài “tội đồ” bị lưu đày “viễn châu” của nhà Lê và lớp “tù binh” của chúa Nguyễn thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (1627-1672), phần lớn là lưu dân vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh, tức những lớp người dưới đáy của xã hội phong kiến loạn lạc. Trên đất mới, họ sớm hòa hợp, xen cư với người Chăm và Bana bản địa, để đối phó với thiên tai và khí hậu khắc nghiệt, cùng nhau khai phá, tô điểm và bảo vệ từng thước đất quê hương. Chính những điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội đó tạo cho người Phù Cát có những nét riêng, mà các sử gia nhà Nguyễn trong Đồng Khánh địa chí đã nhận xét: “đôn phác, giản dị, chuyên học, nhiều người thật thà, nhã hậu”.

     Đời sống tuy rất chật vật, song Phù Cát là đất hiếu học. Về Nho học, từng sản sinh nhiều nhà khoa bảng tài cao, học rộng, liêm khiết và thân dân. Dương Định Quốc nổi tiếng thần đồng, 23 tuổi thi đỗ khoa Minh Kinh, tri huyện Tuy Viễn thời Tây Sơn. Huỳnh Văn Minh (Phú Hội, Cát Tài) đỗ cử nhân khoa Canh Tỵ (1821), khai khoa cử nhân của Bình Định. Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển (Vĩnh Ân, Cát Hanh), Hội nguyên khao Đinh Mão (1847) lúc mới 20 tuổi, từng là Đốc học tỉnh Bình Định, tác giả cuốn “Đồ bàn thành ký”. Qua các thời kỳ, Phù Cát có nhiều người thành đạt và nổi tiếng trên hầu hết các lĩnh vực.


     Về kinh tế: trước đây, phần lớn cư dân chuyên trồng lúa nước, một ít khai thác hải sản gần bờ. Trong vài chục năm nay, kinh tế Phù Cát vẫn tập trung phát triển nông nghiệp là chính: trồng trọt, chăn nuôi; khai thác thủy - hải sản, trồng rừng. Đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến năm 2013, về cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp huyện chiếm 34,2%, ngành công nghiệp – dịch vụ chiếm 64,8%. Tổng giá trị sản xuất (giá trị cố định 1994), đạt 2.404 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm.


      Cây trồng chính gồm:

      + Lúa: với diện tích gieo trồng cả năm 15.400 ha, năng suất 56,9 tạ/ha, sản lượng 87.800 tấn.

      + Đậu phộng: 3.800 ha.

      + Sắn: 2.600 ha.

     Về chăn nuôi: đàn bò có 46.500 con, đàn heo 87.600 con. Diện tích rừng khoanh nuôi, bảo vệ là 9.400 ha, độ che phủ rừng chiếm 34,5% diện tích toàn huyện.

     Về khai thác nuôi trồng thủy – hải sản: Tàu thuyền có 1063 chiếc với tổng công suất 95.900 CV, sản lượng khai thác 30.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 617 ha, sản lượng 700 tấn. Diện tích sản xuất muối 83 ha, sản lượng bình quân hàng năm 10.000 tấn.
     

    
     
      Phù Cát hội tụ nhiều điều kiện để phát triển. Trước hết là phát triển nền sản xuất nông nghiệp đa dạng từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy – hải sản, trồng rừng; phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với mặt bằng rộng rãi, nguyên vật liệu phong phú; phát triển về thương mại, du lịch, các loại dịch vụ với nhiều thắng cảnh đẹp, hệ thống giao thông thuận tiện; phát triển mạnh về nguồn nhân lực vì nơi đây sản sinh ra nhiều người học hành giỏi giang, thành đạt, nổi tiếng. Thiên thời – địa lợi – nhân hòa, là những yếu tố mà Phù Cát có đủ. Vấn đề còn lại là làm như thế nào để các yếu tố đó tạo nên sự phát triển và thịnh vượng. Muốn vậy, mọi người dân Phù Cát, dù đang sinh sống hay sống xa quê hương cần chung lòng, chung sức kiến tạo cho mảnh đất thân yêu của mình ngày càng giàu đẹp.