menu

Được đăng bởi An Nguyen vào lúc 22

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Bình Định: Làm giàu từ nghề làm bún kết hợp chăn nuôi và trồng trọt


Không khuất phục trước đói nghèo, ông Nguyễn Văn Trung đã chịu khó tìm tòi, học hỏi, khai thác tiềm năng lao động của gia đình và lợi thế đất đai để phát triển nghề làm bún tươi kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả.


Đó là ông Nguyễn Văn Trung- 47 tuổi, ở thôn An Đức- xã Cát Trinh- huyện Phù Cát-tỉnh Bình Định. Không khuất phục trước đói nghèo, ông đã chịu khó tìm tòi, học hỏi, khai thác tiềm năng lao động của gia đình và lợi thế đất đai để phát triển nghề làm bún tươi; đồng thời kết hợp chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả. Nhờ đó, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định, đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển, được nhiều người mến phục.

Trước đây, gia đình ông thuộc diện khó khăn vì đông con và không có việc làm ổn định. Ông đã làm rất nhiều nghề khác nhau như đi rà sắt phế liệu, mua máy tuốt lúa, xay xát gạo thuê... nhưng những nghề này thu nhập bấp bênh mà lại không an toàn. Vì thế, ông luôn trăn trở tìm ra hướng đi riêng để tạo việc làm và thu nhập ổn định, đưa gia đình thoát khỏi nghèo khó. Qua nhiều đêm suy nghĩ, ông nhận thấy điều kiện lao động dồi dào của gia đình rất phù hợp để làm nghề bún tươi- một nghề truyền thống của gia đình và địa phương. Từ đó, ông đã vay mượn vốn để mua máy về làm bún và tìm kiếm thị trường tạo đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, bước đầu nghề làm bún của gia đình ông được duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm và thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, với máy này mỗi ngày chỉ làm ra khoảng 200kg bún, trong khi đó bún của gia đình ông được thị trường ưa chuộng và nhu cầu ngày càng cao nhờ chất lượng ngon và giá cả cạnh tranh.



Vì thế, khoảng năm 2005, ông Trung đã tìm đến các địa phương khác để nghiên cứu, học hỏi cách làm và tham quan những mô hình sản xuất quy mô lớn để về áp dụng vào thực tế sản xuất ở gia đình mình. Từ đó, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn gần 100 triệu đồng mua máy và các dụng cụ làm bún quy mô lớn, công nghệ cao với công suất làm ra 200kg bún/giờ, đồng thời thuê khoảng 1ha đất xa khu dân cư để mở rộng cơ sở sản xuất. Hiện tại, cơ sở sản xuất bún tươi của ông Trung đã giải quyết việc làm cho 6 lao động là con, dâu, rể của gia đình. Mỗi ngày, cơ sở này làm ra từ 800kg đến 1 tấn bún tươi. Với giá bán hiện tại là 6.500 đồng/kg, mỗi kg bún sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi 1.500 đồng. Như vậy với 800kg bún, mỗi ngày gia đình ông thu lãi 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn sắm xe tải nhỏ để chở bún đi giao đến các đầu mối tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhờ bún làm ra có chất lượng ngon, giá cả hợp lý nên được thị trường ưa chuộng. Hiện tại, bún của gia đình ông được phân phối đến nhiều địa phương trong và ngoài huyện, tận các xã ở xa như Cát Khánh, Cát Sơn và một số địa phương ở huyện Phù Mỹ. Và mới đây, ông đã đầu tư thêm 50 triệu đồng mua máy về làm bánh ướt; mỗi ngày làm khoảng 120kg bánh ướt, với giá bán 7.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 300.000 đồng.Ngoài làm bún, ông Trung còn khai hoang và thuê mướn gần 3 ha để trồng hơn 1,6ha  bạch đàn và hơn 1,3ha còn lại trồng cây hồ tiêu- một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao mà ông đã có nhiều thời gian nghiên cứu và am hiểu về nó. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn phụ phẩm là nước vo gạo từ cơ sở sản xuất bún, ông còn xây dựng chuồng trại trong vườn bạch đàn để chăn nuôi bò; trong những năm gần đây, mỗi năm ông bán từ 4 đến 5 con bê với giá trị mỗi con từ 12-15 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng quỹ đất quanh vườn nhà và nguồn phụ phẩm từ cơ sở làm bún, ông còn đầu tư xây dựng chồng trại thả nuôi 3 ngàn con gà ta theo hình thức gối đầu chia làm 3 lứa, mỗi lứa 1 ngàn con và cách nhau 1 tháng, nuôi hết lứa này đến lứa khác. Nhờ chọn con giống có chất lượng, thực hiện tiêm phòng đầy đủ và thường xuyên tiêu độc, sát trùng vệ sinh chuồng trại nên đàn gà phát triển tốt, ít dịch bệnh. Mỗi lứa gà nuôi 3 tháng khi bán có trọng lượng khoảng 1,5 kg/con, với giá hiện tại 70 nghìn đồng/kg, mỗi lứa 1.000 con, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Không những thế, nguồn phân chuồng từ chăn nuôi còn được dùng để bón cho vườn bạch đàn và vườn tiêu. Nhờ vậy, các loại cây trồng của gia đình ông đều phát triển rất tốt. Riêng vườn bạch đàn, cứ 3 năm thu hoạch 1 lần, sau khi trừ chi phí cho lãi trên 100 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập từ làm bún, bánh, chăn nuôi gà, bò và bạch đàn, mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 700 triệu đồng. Nhờ vậy, ông đã trả hết nợ nần, có điều kiện để xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng đắt tiền và lo cho các con đầy đủ. Hiện vườn tiêu của ông có trên 1.200 gốc từ 2-3 năm tuổi đang chuẩn bị ra trái, triển vọng trong những năm tới, khi vườn tiêu cho thu hoạch thì thu nhập của gia đình ông sẽ còn tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Trung chia sẻ: “Nhà tôi đông con, hoàn cảnh trước đây khó khăn. Không muốn các con mình phải khổ nên tôi đã tìm mọi cách để đưa kinh tế gia đình phát triển. Để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân tôi và các thành viên trong gia đình. Tôi nhận thấy, muốn thành công thì trước hết phải chọn hướng đi đúng, kết hợp với sự năng động, sáng tạo, cần cù và quan trọng nhất là phải có niềm đam mê và quyết tâm không chịu khuất phục trước đói nghèo”.

Phù Cát:Phát triển nuôi cá trên ruộng lúa.


Hướng tới mục tiêu thu nhập trên 50 triệu đồng/ ha, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh. Năm 2005, Phù Cát đã tiếp tục triển khai thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa tại 2 xã Cát Trinh, Cát Hưng, với quy mô mỗi xã 1 ha. Gồm các loại cá như: rô phi đơn tính, chép, trắm, cá lóc. Trên diện tích này được đào mương xung quanh rộng từ 1,2 đến 4 mét, sâu từ 0,8 đến 1 mét, cứ 100 mét vuông ao được xử lý 15 kg vôi, 20 kg phân chuồng. Mặt ruộng sạ lúa, sau đó cho thả cá giống với mật độ 1,4 con/m2 ruộng. Chọn lúc trời mát trong ngày để thả cá. Khi thả, ngâm túi đựng cá giống vào ao khoảng 10 phút, để tránh tình trạng cá bị sốc do môi trường, sau đó mở túi cho nước vào từ từ. Trong suốt quá trình nuôi, thường xuyên kiểm tra bờ ao chống rò rỉ làm thất thoát cá và đề phòng rắn, rái, chim... hại cá. Nguồn thức ăn dùng hỗn hợp nấu chín gồm: cám gạo, bột ngô, và khô dầu đậu phụng theo tỉ lệ 2-1-2, cho ăn mỗi ngày 2 lần với liều lượng từ 3 đến 5% trọng lượng cá trong ao. Đến khi lúa kết thúc thời kỳ đẻ nhánh, dâng nước mặt ruộng để cá vào ruộng lúa bắt mồi, đồng thời kiểm tra thay nước trong ao nuôi. Kết quả thu hoạch cho thấy: tại Cát Hưng 1 ha nuôi cá lóc cho tổng thu nhập đạt 72 triệu đồng/năm, tại Cát Trinh với 1 ha nuôi cá chép, rô phi đơn tính và trắm cỏ thu nhập trên 54,5 triệu đồng/ năm.
Như vậy qua 2 năm triển khai thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, kết quả cho thấy: trong 1 năm 1 ha sản xuất 2 vụ lúa và nuôi 1 vụ cá sẽ có mức thu nhập ít nhất cũng đạt 54 - 70 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn thực lãi hơn 30 triệu đồng, cao hơn từ 2 đến 3 lần so với SX lúa thuần trước đó, trên cùng chân ruộng.
Tuy nhiên, qua đánh giá của địa phương và những hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình đều thống nhất cho rằng: Kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng mà còn có thể đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều bởi trên thực tế quy trình và kỹ thuật nuôi cá chưa đáp ứng được yêu cầu như: Việc kiến thiết ao nuôi chưa đạt so với yêu cầu, vì diện tích ao được làm sát với bờ ruộng nên dễ bị thất thoát do mất trộm, việc vệ sinh ao nuôi không được chú trọng, tình trạng cỏ dại quá nhiều; nguồn nước nuôi không được tốt vì độ phèn quá cao, làm ảnh hưởng đến việc phát triển của cá nhất là cá chép, cơ cấu từng loại giống cá nuôi chưa hợp lý theo từng điều kiện cụ thể như: trường hợp ở Cát Trinh 1, trong tổng số gần 14.000 con cá thả nuôi chỉ có 1.000 con cá rô phi đơn tính, mà loại cá này rất chóng lớn chỉ sau hơn 6 tháng bình quân đạt trọng lượng 6 -7 lạng/con. Trong khi đó có đến trên 10.000 con cá chép, cùng trong thời gian nuôi chỉ đạt trọng lượng 2 - 3 lạng/con. Mặt khác, mật độ nuôi 1,4 con/ m2 là quá dày. Bên cạnh đó tình trạng ruộng manh mún còn là trở ngại không ít trong việc kiến thiết ruộng nuôi, dẫn đến tình trạng tăng chi phí đầu tư và khó có thể thực hiện nuôi lâu dài, nên làm giảm hiệu quả kinh tế...
Để tiếp tục mở rộng diện ứng dụng mô hình trước hết cần giải quyết vấn đề ruộng manh mún, bằng cách Nhà nước và ngành chức năng có kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửa, nhằm tạo điều kiện để nông dân đầu tư kiến thiết cơ bản nuôi lâu dài. Về cơ cấu giống cá nuôi phải được chú trọng, và mật độ thả nuôi nên thực hiện khoảng 1 con/m2 nhằm bảo đảm cho cá có điều kiện phát triển, bảo đảm hợp lý theo từng điều kiện cụ thể của từng vùng. Vấn đề này đòi hỏi ngành chuyên môn có sự điều tra nghiên cứu và hướng dẫn cho nông dân. Về kỹ thuật sạ lúa nên thực hiện sạ hàng để cá dễ dàng di chuyển tìm mồi trên ruộng. Đồng thời thường xuyên cập nhật và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá để nông dân ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất hạn chế rủi ro. Có chính sách hỗ trợ hoặc giảm giá cá giống nhằm khuyến khích ngày càng nhiều nông dân đầu tư vốn thực hiện mô hình.
Nuôi cá trên ruộng lúa là một nghề mới, cách làm ăn mới có thu nhập cao ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, dễ triển khai ứng dụng trên diện rộng. Đặc biệt là mở ra hướng đi cho các vùng độc canh cây lúa, đồng thời góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường sinh thái từ việc kết hợp 2 lĩnh vực SX là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Phù Cát hiện có hơn 20 hồ chứa nước và trên 4.000 ha ruộng canh tác chủ động nước, có khả năng kết hợp nuôi cá. Giải quyết những vấn đề đặt ra là tạo điều kiện để những năm sắp đến phong trào sản xuất lúa kết hợp nuôi cá được nhanh chóng mở rộng diện ứng dụng, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Phù Cát (Bình Định): Cân nhắc với cây tiêu

Những năm gần đây, giá tiêu luôn ở mức cao, nên nhiều nông dân ở các xã quanh khu vực núi Bà của huyện Phù Cát (Bình Định) đổ xô trồng tiêu; một số hộ phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu, rất dễ xảy ra rủi ro.
Một vườn tiêu đang phát triển tốt ở xã Cát Trinh. Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cây tiêu có mặt trên địa bàn huyện cách đây hơn chục năm, do một số người dân xã Cát Sơn trồng tự phát trên cây rừng, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất không cao. Gần đây, giá tiêu khá cao, 120 - 150 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng tiêu ở Phù Cát được đẩy mạnh.
Toàn huyện hiện có trên 30 ha tiêu, tập trung ở các xã: Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Lâm, Cát Sơn… Xã Cát Trinh có diện tích tiêu nhiều nhất huyện, với hơn 50 hộ trồng tiêu trên diện tích gần 15 ha. Ông Nguyễn Văn Thơm là một trong những người tiên phong trồng tiêu ở Cát Trinh, với vườn tiêu trên 350 gốc, một số đã cho thu hoạch, năng suất khá cao, trên 5kg/gốc.
Ông Hà Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Trinh, chia sẻ: Sở dĩ phong trào trồng tiêu ở xã phát triển mạnh là do trước đây bà con trồng thử và thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương phù hợp với cây tiêu, cộng với giá tiêu cao nên đầu tư trồng nhiều hơn. Cây tiêu ở Cát Trinh nếu được đầu tư chăm sóc tốt thì năng suất không thua kém cây tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên.
Có thể thấy rằng, việc trồng tiêu ở Phù Cát và ở một số địa phương trong tỉnh là không mới, như huyện Hoài Ân có trên 300 ha tiêu, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Song đặc điểm của cây tiêu là “nắng không ưa, mưa không chịu”; khi cây tiêu đã bị bệnh thì sẽ lây lan rất nhanh, không có thuốc đặc trị. Trong khi hầu hết các hộ trồng tiêu ở Phù Cát chủ yếu là tự phát, với hình thức quảng canh, chưa được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu một cách bài bản, nếu phát triển ồ ạt thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Thực tế ở các vùng trồng tiêu chuyên canh như Gia Lai, Đắk Lắk và huyện Hoài Ân cũng đã xảy ra tình trạng tiêu bị bệnh chết hàng loạt mà không cứu chữa được.
Ông Phan Sỹ Hùng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Nhằm giúp nông dân có kiến thức trồng tiêu, năm 2014, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng 2 mô hình khuyến nông cây tiêu. Cái khó là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện chưa có chuyên môn sâu về chăm sóc và phòng trừ bệnh cho cây tiêu. Thời gian tới, nếu có điều kiện sẽ tổ chức cho một số nông dân đến các vùng trồng tiêu chuyên canh học hỏi kinh nghiệm; đồng thời tiến hành khảo sát những vùng đất phù hợp để cây tiêu ở Phù Cát phát triển bền vững, tránh tình trạng “thấy người ta ăn khoai thì cũng vác mai đi đào”.
Cũng theo ông Phan Sỹ Hùng: Nếu giá cả ổn định như hiện nay thì việc phát triển cây tiêu là điều tốt, nhưng nếu mở rộng, ngành nông nghiệp huyện sẽ khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh... Để bảo đảm lợi ích kinh tế, bà con nông dân nên xây trụ tiêu bằng gạch nung, hoặc bằng cây sống, trồng xen canh trong vườn điều để tăng lợi ích trên một diện tích, đồng thời tạo môi trường hài hòa cho cây tiêu phát triển. Có như vậy cây tiêu mới trở thành “cây làm giàu” cho bà con được.
LÊ PHƯƠNG

Thể thao huyện Phù Cát: Những “phát hiện” thú vị ở môn billiards

Chừng 3 năm trở về trước, các cơ thủ Phù Cát hầu như không có cửa tranh chấp thứ hạng với các VÐV mạnh của TP Quy Nhơn và một vài địa phương khác trong tỉnh. Nhưng điều đó đã thay đổi chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ sự tham gia nhiệt tình từ một vài hạt nhân phong trào.
Anh Võ Nguyễn Duy Nguyên trong lần tham gia Giải billiards Galaxy mở rộng lần I - năm 2014.
Để nắm bắt trình độ cũng như thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu môn billiards tại địa phương, năm 2006, Trung tâm VH-TT-TT Phù Cát đã tổ chức Giải vô địch billiards toàn huyện. Nhưng kể từ đó đến nay, do khó khăn về kinh phí, lại thiếu sự chung tay của các nhà tài trợ, đã không có thêm giải đấu nào được tổ chức. Phong trào billiards ở Phù Cát vì thế chỉ duy trì ở góc độ “vui là chính” chứ không thể phát hiện ra những cơ thủ xuất sắc, đủ sức tranh tài ở các giải đấu cấp tỉnh.
Hệ thống bàn billiards trong toàn huyện Phù Cát không nhiều, chủ yếu để phục vụ nhu cầu giải trí thông thường của thanh niên. Nên những người hâm mộ billiards chưa dám nghĩ đến chuyện VĐV Phù Cát sẽ sớm tranh chấp huy chương ở môn thể thao này.

Phù Cát: Phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Năm 2014, huyện Phù Cát đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,1 triệu đồng, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 2013; tổng thu ngân sách nhà nước hơn 496 tỉ đồng, vượt 22,6% so kế hoạch năm. Trong điều kiện khó khăn chung của cả nước và cả tỉnh thì kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của Ðảng bộ và nhân dân trong huyện. 
Nông dân Phù Cát thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Sản xuất nông nghiệp của huyện có chuyển biến tích cực khi sản lượng nhiều loại sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp vượt chỉ tiêu kế hoạch. Năm nay, huyện đã triển khai được 50 mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích gần 2.500 ha. Kết quả cho thấy, các mô hình cho hiệu quả cao hơn so với ngoài mô hình 4 - 12 triệu đồng/ha (đối với cây lúa) và từ 11 - 12 triệu đồng/ha (đối với cây đậu phụng).
Ðến nay, Phù Cát có xã Cát Trinh đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, xã Cát Hiệp và xã Cát Tài đạt 16 tiêu chí; các xã còn lại đạt 10 - 14 tiêu chí
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Huyện ủy, UBND huyện chú trọng chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đến nay, Phù Cát có xã Cát Trinh đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, xã Cát Hiệp và xã Cát Tài đạt 16 tiêu chí; các xã còn lại đạt 10 - 14 tiêu chí. Điều đáng ghi nhận sau 4 năm xây dựng nông thôn mới ở Phù Cát là kinh tế phát triển khá, bộ mặt nông thôn tiếp tục được đổi mới, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được chăm lo, từng bước được cải thiện. 

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Cát Thành (Phù Cát - Bình Định): Ồ ạt khai thác titan trái phép

Thời gian gần đây ở xã Cát Thành (Phù Cát) đã rộ lên tình trạng một số người dân đổ xô khai thác ti tan trái phép tại các bãi cát và khu vực rừng phòng hộ ven biển thuộc thôn Hóa Lạc. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cát Thành, hiện nay có khoảng trên 100 hộ dân thuộc thôn Hóa Lạc và một số người ở các nơi khác đến khu vực bãi cát và khu rừng phòng hộ ven biển thôn Hóa Lạc để đào bới lấy cát đen, rồi đãi lọc lấy titan đem bán cho một số đầu nậu.

Dọc theo suốt chiều dài bãi cát ven biển và khu rừng phòng hộ ở đây mỗi ngày có hàng trăm người, hình thành từng nhóm dùng cuốc xẻng ngang nhiên đào bới, tìm hốt loại cát đen cho vào máng đãi tuyển lấy ti tan rồi đóng bao để bán. Bãi cát và khu rừng phòng hộ bị đào bới hình thành những hố sâu nham nhở, những cây đứng trơ gốc rễ. Hàng ngày có 4-5 chuyến xe đến vận chuyển titan đi nơi khác. Việc làm này không chỉ xâm hại đến tài nguyên quốc gia, mà còn hủy hoại môi trường sinh thái. Những rừng dương chắn cát bị đào bới trơ gốc rồi sẽ đổ ngã và bị chết, rừng phòng hộ dần bị thu hẹp, đe dọa đến cuộc sống và sản xuất của người dân địa phương. Những hố sâu do khai thác titan để lại sẽ trở thành những cái bẫy nước. Khi mùa mưa đến, gây ra những hậu quả khó lường...
Bà Nguyễn Thị Nưng, ở thôn Hóa Lạc, có nhà ở ven biển gần khu vực bị đào bới, cho biết: “Họ tự do đào bới ngay xung quanh khu vực nhà tôi đang ở, tạo nên những hầm hố sâu rồi bỏ đó, nên việc đi lại rất khó khăn. Mùa mưa vùng này bị ngập nước, người đi đường dễ bị sụp hầm, nguy hiểm đến tính mạng, nhất là trẻ con. Đã có trường hợp trẻ con chết nước một cách đáng tiếc vì sụp hầm do việc hốt đất cát mà không san lấp trả lại mặt bằng”.
Trước tình hình khai thác titan trái phép một cách ồ ạt tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường đến kiểm tra thực tế và lập biên bản xử lý một số trường hợp khai thác, chứa titan trái phép. Đồng thời, huyện cũng đã tiến hành họp dân quán triệt các chủ trương chính sách của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường; phân tích những tác hại do việc khai thác titan trái phép đối với cuộc sống của người dân trước mắt cũng như lâu dài.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác titan trái phép ở Cát Thành không hề giảm, mà những “titan tặc” còn tinh vi hơn. Từ chỗ dùng cuốc xẻng đào bới để hốt cát đen đưa vào máng đãi tuyển lấy titan, họ chuyển sang đóng giếng, dùng máy nổ hút cát đen lên rồi lọc tuyển. Khi có kiểm tra của chính quyền, họ thông báo với nhau qua điện thoại di động và tất nhiên việc khai thác được tạm thời dừng, các giếng khai thác được lấp dấu ngay. Sau khi đoàn kiểm tra đi họ lại tiếp tục khai thác. Còn các xe vận chuyển titan thì chuyển sang hoạt động vào ban đêm, khoảng 2-3 giờ sáng, làm cho người dân nơi đây cũng không thể yên giấc ngủ.
Sớm chấm dứt vấn nạn trên để bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân địa phương... là vấn đề cần làm ngay của các cấp, các ngành có trách nhiệm trong vấn đề này.

Bình Định: Ngư dân Cát Tiến (Phù Cát) trúng đậm tôm hùm giống

Khoảng 10 ngày trở lại đây (từ 12 - 22.1) trên vùng biển xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) xuất hiện nhiều tôm hùm giống...
Khoảng 10 ngày trở lại đây (từ 12 - 22.1) trên vùng biển xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) xuất hiện nhiều tôm hùm giống. Hơn 45 tàu thuyền với 315 lao động đã liên tục bủa lưới đánh bắt. Kết quả, mỗi đêm một tàu thuyền đán bắt từ 40 đến 170 con tôm hùm giống, thu được 10 triệu đồng đến 42 triệu đồng/ đêm.
Theo ông Trần Đình Thời, Phụ trách thủy sản UBND xã Cát Tiến, chưa năm nào tôm hùm giống xuất hiện nhiều như năm nay và giá rất cao. Tính từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay bà con trong xã đánh bắt được 21.292 con thu, nhập trên 5,3 tỉ đồng. Nhiều ngư dân thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 250 triệu đồng như ngư dân Nguyễn Thái Hòa, Ngô Đức lợi, Nguyễn Văn Minh… Do sản lượng đánh bắt khá nên tôm hùm giống đến sáng 22.1 tụt xuống còn 200 ngàn đồng/con. Trước đó, vào đầu vụ tôm hùm giống giá cao nhất 360 ngàn đồng/con.