menu

Được đăng bởi An Nguyen vào lúc 22

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Chùa Ông Núi (Linh Phong thiền tự)

Chùa Ông Núi (còn gọi là Linh Phong thiền tự) là một ngôi chùa linh thiêng, nổi tiếng và lâu đời nhất của Bình Định. Chùa tọa lạc trên một ngọn núi thuộc dãy núi Bà, tại thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Từ đường nhựa, đi vào chân núi khoảng vài trăm mét chúng ta sẽ gặp hàng cột được trang trí công phu mở lối bước lên những bậc đá dẫn đến chùa. Lối đi quanh co theo sườn núi được tạo bởi hàng ngàn bậc đá này có từ hơn ba thế kỷ trước. Đường lên chùa cỏ cây, hoa dại mọc chen giữa đá, đâu đó thoang thoảng mùi hoa dủ dẻ thật dễ chịu. Đi hết khoảng hơn một trăm bậc đá sẽ thấy ngôi chùa nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển hiện ra. Ngôi chùa nằm lưng chừng núi.

Theo sách cũ, năm 1702, thiền sư Tịnh Giác đến núi này tu hành. Vị cao tăng dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống một mình trên núi, thỉnh thoảng mới xuống thôn xóm chữa bệnh cho dân làng. Thấy ông dùng vỏ cây làm áo quần, dân trong vùng gọi ông là Mộc Y Sơn Ông.

Năm 1733, chúa Nguyễn Phước Trú lệnh cho quan địa phương dựng chùa lại bằng ngói, đổi tên là Linh Phong thiền tự. Ông tổ tuồng Đào Tấn khi đang là Thượng thư bộ Công cũng đã bỏ tiền tu bổ lại chùa và làm thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi này. Ở Huế, Đào Tấn cũng lập hòn non bộ trong phủ đệ của mình, trên đó khắc hai chữ Linh Phong (hòn non bộ này hiện còn ở trong khuôn viên chùa Thiên Mụ).

Trong sách Đại Nam Nhất thống chí, viết về chùa như sau: “Chùa lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra đầm biển cạn, xung quanh có nước suối lượn quanh, phong cảnh rất đẹp”.

Năm 1965, chùa cổ bị cháy bởi bom đạn. Hiện nay chỉ còn lại hang Tổ, nơi thờ cúng người khai phá núi xây chùa và dòng suối nhỏ trong trẻo gợi nhớ hình ảnh ngôi chùa cổ kính ngày xưa.

Hiện nay chùa đã được xây dựng lại (khoảng những năm 2000). Khuôn viên chùa luôn mát rượi nhờ những tán cây cổ thụ như phượng, mít, bàng. Rất nhiều liễu và hoa được trồng chung quanh hồ nước rộng ngay trước chính điện.

Đứng từ cổng chùa, nhìn ra xa thấy đầm Thị Nại trong xanh điểm những con sóng bạc. Gần chân núi là những thôn xóm mái ngói nâu nổi bật giữa đồng lúa xanh non. Dòng sông Chùa uốn lượn lung linh trong nắng, dọc bờ biển, sóng tung bọt trắng xóa. Bước chân ra khỏi chùa, nhiều du khách sẽ thấy lòng thanh thản và bỗng thấy cõi nhân gian thật hữu tình.

Phía sau chùa còn có nhiều tháp cổ xen giữa đá núi và những tán cây rừng cổ thụ. Đây là nơi an nghỉ của các vị sư. Đi sâu vào trong núi có nhiều hòn đá chồng lên nhau tạo thành những hình thù kỳ dị và cả những hang đá thâm u. Một số hang có thờ Phật nên ấm áp mùi nhang khói. Có những hang rất rộng, chứa được cả đoàn quân thời chiến. Nhiều hang đá giờ đây bị những bụi cây gai um tùm lấp mất cửa không ai dám vào. Hang động núi Bà vẫn còn đó nhiều bí mật với khách hành hương.

-----------------

Theo báo Thanh Niên, Đại hồng chung ( quả chuông) chùa Linh Phong hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng H.Phù Cát, có khắc tên một danh tướng của chúa Nguyễn là Tống Phước Hiệp (và tên con trai, con gái), cùng phụ tá của ông là Nguyễn Khoa Thuyên (và tên vợ con). Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, năm 1774, quân Tây Sơn đánh Bình Thuận, Tống Phước Hiệp cùng Nguyễn Khoa Thuyên nhận được lệnh phát hịch gọi binh đi đánh Tây Sơn.

Trong chiến dịch này, Tống Phước Hiệp bắt gặp đại hồng chung chùa Thiên Phước (ở Vĩnh Long ngày nay) nên cùng với Nguyễn Khoa Thuyên cho thợ khắc chữ lên chuông rồi tiến cúng cho một vị sư. Đến nay vẫn chưa rõ Tống Phước Hiệp tiến cúng đại hồng chung cho vị sư nào và tại sao đại hồng chung này lại có tại chùa Linh Phong.

---------------------

Suối nước nóng Hội Vân

Suối nước nóng Hội Vân có lẽ là địa danh nổi tiếng nhất của huyện Phù Cát nói riêng, của Bình Định nói chung. Người Phù Cát đi xa khi nói về quê hương, thường không thể không nhắc tới con suối cạn, hiền hòa và có dòng nước nóng đặc biệt này.


Suối nước nóng Hội Vân thuộc thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát. Từ thị trấn Ngô Mây, đi theo một con đường lát xi măng thẳng hướng Tây chỉ khoảng 2km là tới.

Như mọi sông suối ở miền Trung nói chung, suối nước nóng Hội Vân chảy theo hướng từ Tây xuống Đông. Đây có lẽ cũng chỉ là một con suối nhỏ, đẹp và bình thường như trăm ngàn con suối khác ở Việt Nam, nếu không có một điều rất đặc biệt là đoạn chảy qua thôn Hội Vân (khoảng 500m), nước bỗng dưng nóng hừng hực.

Về mặt khoa học, người ta đã giải thích được sở dĩ nước nóng là do có những nguồn nhiệt trong khu vực phun trào lên bề mặt trái đất. Thường là dấu tích của những ngọn núi lửa ngày xưa.

Quả thật ngay sát bờ bắc suối nước nóng Hội Vân có một ngọn núi lửa nhỏ, đất đỏ au - hoàn toàn khác biệt với loại đất trắng pha cát bạc màu ở Phù Cát, Cát Hiệp. Trước những năm 1990, ngọn núi lửa này vẫn còn khá cao, giống như một ngọn đồi. Nhưng thật đáng tiếc là người ta đã ủi bay nó, để lấy đất xây dựng, để nâng cao nền con đường đất đi từ thị trấn Ngô Mây tới suối nước nóng Hội Vân và tiếp lên Cát Hiệp, Cát Lâm. Nên nay ngọn núi lửa đó hầu như đã bị cào bằng, không còn dấu vết gì nữa. Chỉ có những người lớn tuổi mới biết và nhớ.

Vốn là người quê ở Hội Vân, Cát Hiệp, nên ngay từ nhỏ tôi đã biết rất rõ về suối nước nóng Hội Vân. Tôi đã nhiều lần tắm, đi soi cá ban đêm, thậm chí cùng bạn bè ngủ qua đêm ngay trên bờ suối! Tôi thật sự rất tự hào về con suối nhỏ xinh đẹp, hiền hòa và có phần cô quạnh này. Khoảng năm 1993, tôi có viết một bài báo giới thiệu về suối nước nóng Hội Vân được đăng trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật.

Độ nóng của nước suối Hội Vân đạt khoảng 70°C - 80°C, chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Từ khoảng năm 1976, Nhà nước đã xây dựng một Trạm xá chữa bệnh ở đây. Hiện nay, đã trở thành một bệnh viện, với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như tắm bùn, tắm nước nóng và là một địa chỉ an dưỡng của nhiều người .

Suốt hàng ngàn năm qua, suối nước nóng Hội Vân do các mạch nước nóng từ lòng đất phun lên, tỏa khói nghi ngút, thoang thoảng mùi phốt pho nồng nồng trong không gian. Những buổi sáng sớm hay chiều tà, khi không khí ẩm và lạnh, đặc biệt vào mùa đông, từ xa cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy những làn khói lan trắng dày đặc, lan tỏa như sương mù, phủ che cả con suối.

Do độ nóng của nước, có thể nhúng chín trứng gà, trứng cút... Nhưng lại không đủ nóng để làm trứng chín hẳn dù ngâm lâu bao lâu, mà chỉ hơi tái lòng đào. Cùng với những khoáng chất trong nước thẩm thấu qua vỏ trứng vào, sẽ tạo nên một hương vị có thể nói là vô cùng đặc biệt, rất thơm ngon, quyện đặc. Mọi người đã tới suối nước nóng Hội Vân, không thể không thưởng thức món trứng gà trụng nước nóng chín lòng đào ở đây. Người bán quán bên bờ suối sẽ bỏ những quả trứng vào một bịch nilon và vùi trong nước, lấp cát lên trong khoảng 10 phút. Vậy là có ngay món đặc sản đặc biệt của suối nước nóng Hội Vân. (Tôi cũng đã từng ăn trứng trụng ở suối nước bóng Bình Châu ( tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng thấy không bằng. Không biết có khách quan không. Hi).

Nhiều năm trước đây khi suối còn hoang vắng, đường giao thông chưa chạy ngang qua như hiện nay, người dân địa phương thường đem gà, vịt ra trụng nước nhổ lông, nhiều người còn lấy nước nóng dưới suối về uống - chữa các bệnh về đường ruột, ngoài da rất tốt.

Có một điều rất thú vị nhưng không hẳn ai cũng có dịp thực hiện và thưởng thức. Đó là tắm suối nước nóng. Mà phải là tắm ngay dưới lòng suối, chứ không phải là bơm nước nóng lên tắm như trong bệnh viện Nước nóng Hội Vân bên cạnh. Khi đi tắm, người "chuyên nghiệp" thường vác theo một cái cuốc nhỏ, chọn chỗ có mạch nước nóng rồi cào cát dưới lòng suối be bờ, pha trộn các dòng nước nóng lạnh chảy xen kẽ nhau, tạo thành một cái "ao tắm" với độ nóng vừa phải - theo ý thích của mỗi người. Thế là ngồi vào, ngâm mình trong làn nước nóng. Hãy tưởng tượng thân thể như chia thành hai phần, phần thì nhúng nước thì nóng, còn phần kia thì hở ngoài trời. Tạo nên cảm giác rất thú vị, vừa nóng, vừa lạnh. Lúc lạnh quá thì nhúng cả người vào nước nóng. Nóng quá lại nhỏm lên!  Tắm xong lên bờ, ai cũng lạnh run cầm cập, nổi da gà và bụng đói cồn cào (chẳng hiểu vì sao). Lúc này mà được ăn một vài quả trứng gà trụng nước nóng thì quả là sướng như tiên!

Thật đáng tiếc là những năm gần đây suối nước nóng Hội Vân bị xấu đi một cách đáng kể do sự "tàn phá" của con người. Nước cũng cạn hơn và do bị san lấp quá nhiều (các hàng quán), nên lòng suối không còn nhiều những điểm phun nóng như trước đây. Cảnh hoang vu, những bờ cây xanh, hoa lá tự nhiên ... hai bên bờ suối đã mất đi rất nhiều. Tôi còn nhớ ngày đi học vẫn thường hay một mình lội ngược dòng suối có khi hàng cây số (tính tôi vốn thích la cà, thiên nhiên). Chuyện thấy những con cò, con chim tập bay, những cành hoa dại nở tung trên lòng suối là rất bình thường. Hai bên bờ suối còn có loại cây nắp ấm rất đặc biệt, trông giống như một cái ấm, khi có con nhện hay một loại côn trùng nào đó vô tình chui vào ấm thì nắp ấm sẽ khép lại, con vật trở thành thức ăn cho cây. Sau này, tôi mới biết đây là một loại "cây ăn thịt". Bây giờ, cây nắp ấm vẫn còn, nhưng rất hiếm.

Những ngày Tết, lễ suối nước nóng Hội Vân trở thành một điểm đến, nơi tụ tập của rất đông bạn trẻ. Xe cộ rợp trời. Nhưng do quá đông, nên nhiều khi chỉ đến nhìn nhau, nhìn cảnh nhốn nháo cứ như một bãi biển nào đó. Nên không thưởng ngoạn được một cách đầy đủ những nét riêng biệt, tinh tế và thú vị nơi đây.

Về nước suối Hội Vân, tôi đã hỏi nhiều người là sao không đóng chai, rồi bán như nước Vĩnh Hảo ở Bình Thuận. Sau mới biết nước Vĩnh Hảo là nước lạnh, còn nước Hội Vân là nước nóng, nên khi đóng chai sẽ bị đóng cặn. Nói chung là công nghệ, kỹ thuật xử lý sẽ phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều. Mặc dù thành phần khoáng chất của nước nóng Hội Vân rất tốt cho sức khỏe và có chức năng chữa bệnh là điều đã rõ.

Mong trong tương lai, suối nước nóng Hội Vân sẽ luôn được giữ gìn và nâng tầm về nhiều mặt. Tại sao chúng ta không mơ mộng một chút sẽ đến ngày có những chai nước khoáng sang trọng nhãn hiệu Hội Vân nằm trong các khách sạn 5 sao.

Trần Hồng Phong

--------------------------

Dưới đây là một số hình ảnh về suối nước nóng Hội Vân mà tôi đã chụp trong khoảng 10 năm qua.


Con đường trải xi măng từ thị trấn Phù Cát đi đến suối nước nóng Hội Vân